ĐBSCL:

Sóng lớn “nuốt” nhiều nhà cửa, đất đai dần biến thành... biển

(Dân trí) - Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngay trong mùa nắng nóng, sạt lở bờ biển đã “nuốt” nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân ven biển.

Sóng biển “nuốt” nhà, cuốn trôi đất của dân

Giữa tháng 2, cơn sóng biển cuồn cuộn đã ập vào Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) làm sập nhà, cuốn phăng đường dây điện trung thế và nhiều ruộng hoa màu của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ngoạt có căn nhà bị sóng biển cuốn trôi, kể lại: “Buổi chiều hôm đó thấy triều cường dâng cao, lại có sóng gió rất lớn nên vợ chồng tôi bỏ nhà ở ven biển vào nhà đứa con ở sâu phía trong ngủ tạm. Đến sáng ra, căn nhà đã bị sóng biển đánh sập và cuốn luôn nhiều đồ đạc bên trong”.


Sạt lở ở khu vực bãi biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh)

Sạt lở ở khu vực bãi biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh)

Ông Ngoạt sống cả đời ở vùng đất này nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến sóng biển có sức tàn phá khủng khiếp đến như vậy. Trước đây căn nhà của ông cách bãi biển gần 1 km nhưng bị sóng biển “lấn” từ từ và bây giờ đã “nuốt” luôn căn nhà.


Sóng biển đánh sập nhà dân ở khu vực bãi biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang)

Sóng biển đánh sập nhà dân ở khu vực bãi biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang)

Ở khu vực bãi biển Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) người dân cũng khốn khổ vì bị sóng biển làm sạt lở đất đai, nhà cửa.

Ông Lê Minh Pha, ngụ ấp Cầu Muống (Tân Thành, Gò Công Đông) đã 3 lần dời nhà bỏ chạy vì bị sóng biển “đuổi”. Ông Pha cho biết: “Trước đây căn nhà tôi cất nằm tuốt ở trong cách bãi biển cả trăm mét nhưng sóng biển làm sạt lở nên tôi phải di dời nhà liên tục. Mới năm rồi căn nhà tường kiên cố cũng bị sóng biển phá hỏng giờ chỉ còn bức tường và nền gạch”.


Gia đình ông Pha ở biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) phải 3 lần dời nhà do sạt lở

Gia đình ông Pha ở biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) phải 3 lần dời nhà do sạt lở

Sau khi căn nhà bị hư hỏng không thể ở được nữa, ông Pha nhận 6 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời rồi chuyển qua căn nhà của người anh ruột cách đó khoảng 10 m để ở tạm. Tuy nhiên, bây giờ sóng biển tiếp tục “đuổi” nên không biết sắp tới phải chạy đi đâu.


Căn nhà của người dân ven biển Ba Tri (Bến Tre) bị sóng biển phá hỏng

Căn nhà của người dân ven biển Ba Tri (Bến Tre) bị sóng biển phá hỏng

Những ngày qua, khu vực bãi biển Hiệp Thạnh (xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, những hàng phi lao hơn 15 năm tuổi rất to cũng bị sóng biển cuốn phăng.

Bà Lê Thị My, nhà ở sát bãi biển thuộc ấp Bào (xã Hiệp Thạnh) cho biết: “Hơn chục năm trước bãi biển ở cách nhà hơn 1 km và có tới 3 động cát lớn. Tuy nhiên, sóng biển cứ đánh dần dần giờ tới sát nhà, hàng phi lao có cây người lớn ôm mới giáp mà giờ bì sóng biển đánh ngã rất nhiều”.

Ông Hồ Quốc Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, cho biết, thời gian qua nạn sạt lở đê biển gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân địa phương. Ngoài chuyện mất mùa màng, mất hàng trăm héc-ta rừng phi lao… thì sạt lở làm mất rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại có nhiều hộ vẫn còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể canh tác được do đất đã bị sạt lở thành… biển.

Di dời dân, xây bờ kè, trồng rừng để ngăn sạt lở

Ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị huyện lập đoàn khảo sát nhằm di dời dân khỏi vùng nguy hiểm ở khu vực Cồn Ngoài. Đồng thời cũng kiến nghị xây dựng kè mềm kết hợp với trồng rừng để hạn chế sạt lở ở khu vực này.

Tại khu vực bờ biển xã Hiệp Thạnh, địa phương đã chủ động di dời dân dọc bờ biển với chiều dài 8,5km; xây dựng tuyến dân cư để bố trí bà con bị mất nhà, mất đất có chỗ ở. Trong đó, địa phương được đầu tư 3 km bờ kè kiên cố với tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng. Đồng thời, một đoạn bờ biển với chiều dài 1.750 đang xây dựng kè mềm kết hợp trồng rừng từ nguồn vốn thích ứng biến đổi khí hậu khoảng 26 tỷ đồng. Dự kiến sẽ di dời khoảng 600 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm để tiếp tục trồng rừng ở phía trong bờ kè kiên cố để ngăn sạt lở.

Do tình hình sạt lở phức tạp nên tỉnh Trà Vinh xin Trung ương hỗ trợ kinh phí kè kiên cố khoảng 10,3km ở những khu vực trọng yếu thuộc thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải. Dự án kè kiên cố được triển khai nhiều năm, nhưng đến nay mới hoàn thành được khoảng 5,6km, số còn lại chưa thực hiện do thiếu kinh phí.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, cuối năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng đầu tư kè đê biển Gò Công ở những đoạn xung yếu. Trước đó, tỉnh triển khai dự án kè mái chống sạt lở hơn 6,3km, đến nay thi công được 5,3km thì sạt lở tiếp tục lấn sâu, nên tiếp tục nâng chiều dài kè lên 10km…


Bãi biển Hiệp Thạnh được xây dựng bờ kè để ngăn sạt lở

Bãi biển Hiệp Thạnh được xây dựng bờ kè để ngăn sạt lở

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết: “Toàn tuyến đê biển Gò Công khoảng 17km đều bị sạt lở đe dọa, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền 8-10m. Sạt lở đê biển làm mất hàng chục ha rừng phòng hộ”.

Theo ông Pháp, tuyến đê biển Gò Công bảo vệ cho khoảng 38.000ha đất sản xuất và hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống trong vùng ngọt hóa Gò Công. Vì vậy, nếu không có giải pháp khẩn cấp sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất liền sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Thời gian gần đây, các tỉnh ở khu vực ĐBSCL đang tìm mọi giải pháp để phòng, chống sạt lở nhằm giảm tối đa thiệt hại cho người dân. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, tình hình biến đổi khí hậu cộng với việc mất một lượng lớn phù sa bồi đắp do các đập thủy điện ngăn dòng Mê Kông, việc khai thác cát bừa bãi sẽ làm cho sạt lở bờ biển tại khu vực này ngày một nghiêm trọng.

Minh Giang