1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sống chậm hơn ở Việt Nam

(Dân trí) - Nỗi sợ giao thông – hiển nhiên rồi, không chỉ với người nước ngoài mà ngay cả với người Việt giờ cũng vậy. Điều khiến chúng tôi tò mò muốn tìm hiểu hơn từ các bạn nước ngoài là mức độ áp lực cuộc sống quê hương họ so với ở Việt Nam ra sao.

Niềm vui mới của cô giáo trẻ

Khoảng cách khá xa không chỉ về địa lý giữa  thành phố Tokyo sầm uất của xứ sở Mặt trời mọc với “ngõ nhỏ… phố nhỏ… trường tôi ở đó” mang cái tên rất sơn cước Núi Trúc nhưng lại hiện diện ngay giữa thủ đô Hà Nội, đã dần dần khép lại sau 2 năm rưỡi đến với Việt Nam của cô giáo trẻ sở hữu vóc dáng mảnh mai và gương mặt xinh xắn rất Á đông Otani Miwa.

Kể về những điều mắt thấy tai nghe sau quãng thời gian gắn bó với Việt Nam, cô giáo Otani Miwa nhắc ngay tới những áp lực: Giao thông ở Việt Nam không giống ở Nhật bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. So với bầu không khí chung ở Nhật Bản luôn khá yên tĩnh thì thành phố ở Việt Nam quá ồn ào.

"Lựa chọn an toàn nhất để di chuyển cho những người nước ngoài như chúng tôi lẽ ra là phương tiện giao thông công cộng, nhưng xe bus thì…chưa phải là phương án hay…Tất nhiên tôi biết cũng không nên so sánh hệ thống và phương tiện giao thông công ở Việt Nam với Nhật Bản và các nước phát triển khác, nhưng đó cũng là điều đầu tiên gây áp lực cho chúng tôi cả trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày".

Một nghịch lý nữa đập vào mắt cô giáo Otani Miwa ngay khi vừa tới Việt Nam là Nhật Bản sản xuất ra nhưng có rất ít người sử dụng xe gắn máy, còn ở Việt Nam thì… trên là trời, dưới là biển xe máy cứ như thể ken vào nhau chật cứng trên mọi con  phố.

Cũng thật khác với Việt Nam, mặc dù có ở Nhật Bản có lẽ mới thấm thía nhất câu “tấc đất, tất vàng”  nhưng cảnh sát Nhật luôn khuyến cáo người tham gia giao thông giữ khoảng cách giữa các xe càng xa càng tốt. Để làm được điều đó, người Nhật phải tập luyện rất nhiều để thực hành tốt quy định khoảng cách trước khi được cấp bằng lái xe.

Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Otani Miwa nói: "Theo tôi được biết, tình trạng này cũng từng xảy ra ở Nhật Bản nhưng từ khoảng 60,70 năm trước... Tôi nghĩ Việt Nam cần có cách đào tạo nghiệp vụ chính quy và chuyên nghiệp hơn cho không chỉ các nhân viên trong ngành vận tải, mà nói chung ở hầu khắp các ngành khác".

Sống chậm hơn ở Việt Nam - 1

Xe đạp gắn bó với Miwa Otani kể từ khi cô tới Hà Nội.

Nhắc tới công việc và những bạn bè mới quen ở Việt Nam, cô giáo Miwa Otani sôi nổi hẳn lên: "Bạn bè và học trò thường thăm hỏi và động viên tôi khá nhiều. Công việc giảng dạy dù cũng bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối muộn, nhưng thực sự không gây cho tôi quá nhiều áp lực nếu so với làm việc ở Nhật".

Bởi vậy có vẻ như cô Miwa Otani có nhiều thời gian để sống chậm hơn, để lướt web,  tham khảo tin tức từ các trang mạng xã hội và TV (tất nhiên là bằng tiếng Nhật thôi).

Vào ngày nghỉ cô giáo trẻ cũng có thể đi lễ chùa với điểm đến đã  trở nên quen thuộc là chùa Kim Sơn trên phố Kim Mã ngay gần chỗ làm việc.

Để có thể hưởng chút không khí trong lành, Miwa Otani chọn không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… Và sau những tour du ngoạn ngắn đó, cô giáo trẻ có thể tự thưởng cho mình vài món ngon đặc sản Việt Nam: bún chả, bánh mỳ, sinh tố xoài…

Sống chậm hơn ở Việt Nam - 2

Cô giáo trẻ Miwa Otani luôn hết lòng trong công việc nên rất được học trò yêu mến.

Giờ đây cuộc sống mới tại Hà Nội với Miwa Otani đã giảm áp lực đi khá nhiều, cô nói cảm thấy hài lòng dù còn những bất tiện bởi đã xuất hiện nhiều niềm vui nhất là khi được gặp gỡ, chuyện trò với các học sinh hoặc bạn bè mới ở Việt Nam.

Mảnh ghép còn thiếu

Không có cùng xuất thân từ cái nôi văn hóa Á đông, nhưng có vẻ như với ông Daniel chuyện hòa đồng chẳng có gì là khó.

Mới chuyển tới sống ở Hà Nội hơn 1 năm nhưng với Daniel đến từ bang Minesota của nước Mỹ thì tình yêu Việt Nam đã ngấm vào máu thịt từ lâu.

Từng tích cực tham gia vào các cuộc vận động biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam từ thời thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nhưng khi trực diện nhịp sống Việt Nam của ngày hôm nay, ông Daniel tiết lộ cũng đã cảm thấy khá sốc khi lần đầu tiên tham gia giao thông ở Hà Nội.

Ngồi trong taxi, chỉ nhìn dòng xe máy lướt ầm ầm và sát sạt hai bên thành xe và thậm chí cả tạt ngang đầu xe, tôi đã vô cùng khiếp hãi – Daniel nhớ lại.

Nhưng dần rồi cũng phải quen và cũng như Miwa Otani, Daniel chọn cách di chuyển có vẻ an toàn hơn là xe đạp để có thể hàng ngày rong ruổi qua khắp các con phố với chằng chịt ngõ, ngách nho nhỏ của Hà Nội.

Điểm đến yêu thích nhất với một người đam mê nhiếp ảnh đến từ phương xa như Daniel là khu vực đường Thanh Niên với Hồ Tây tím mờ mỗi khi hoàng hôn buông xuống…

Lang thang chụp ảnh phố phường và phong cảnh Hà Nội, Daniel cũng tranh thủ làm thêm được khối việc. Nhất là học được tiếng Việt thực hành rất tốt mỗi khi tụ tập bù khú với bạn bè, đồng nghiệp tại các quán ăn ven hồ Tây và thưởng thức thú cà phê vỉa hè cũng có thể coi như một đặc sản Việt Nam bởi khác khá nhiều so với café vỉa hè ở phương Tây đấy.

Áp lực giảm đi rất nhiều bởi được sống chậm ở Hà Nội và bởi vậy Daniel ngày càng thích thú với những hương vị cuộc sống riêng rất Việt Nam.

"Có điều gì đó vẫy gọi tôi tới Việt Nam và không biết từ bao giờ tôi đã yêu mến đất nước này. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được lưu lại Việt Nam để làm những việc hữu ích này,  như thể đó là một mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời của tôi vậy", Daniel nói.

Cũng chính tình yêu Việt Nam đưa Daniel tới với các chương trình từ thiện như ủng hộ  nạn nhân chất độc da cam, các chương trình thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ…

Daniel cho biết ông sẽ còn gắn bó với Hà Nội lâu dài để tiếp tục cả hai niềm đam mê nghệ thuật và tham gia cong tác từ thiện, với hy vọng đóng góp một phần nào đó cho cộng đồng nơi đây như cách mà nhiều người đồng hương Mỹ của ông đã chọn để cùng nhau chữa lành những vết thương chiến tranh trong quá khứ.

Cơ hội và thách thức

Với kinh nghiệm sau một năm rưỡi gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, anh Nicholas Sando đến từ New Zealand, hiện là giáo viên IELTS tại một trung tâm tiếng Anh chia sẻ: "Khó khăn tất nhiên rất nhiều khi ta sống và làm việc ở một nơi khác hẳn với đất nước mình, và điều đáng sợ nhất mà tôi phải đối mặt khi sống tại Hà Nội dĩ nhiên là giao thông.

Sống chậm hơn ở Việt Nam - 3

Nicholas Sando trong một giờ lên lớp tại một trung tâm ngoại ngữ

Cũng phải thôi bởi thật không may là Sando đã từng trở thành nạn nhân của một vụ đâm xe mà thủ phạm là một gã say rượu chạy xe máy. Nicholas khi đó đang ngồi trong quán ăn với bạn bè và bất ngờ bị xe húc từ phía sau!!!

Thêm một nỗi phiền toái tưởng như nhỏ mà không nhỏ, đó là anh buộc phải quen với… ô nhiễm tiếng ồn mỗi khi gà nhà hàng xóm nuôi trên sân thượng cao hứng cất tiếng gáy. Cũng may Nicholas sớm có thêm người đồng cảnh ngộ khi sau đó nhà hàng xóm khác có em bé, ông bố trẻ nhà đó cũng mua một đàn gà về nuôi (có lẽ để tự túc thịt và trứng gà sạch cho mẹ và bé chăng?)

Vậy là thành bộ ba bao gồm Sando, bà mẹ trẻ và em bé từ đó cùng được thưởng thức bản giao hưởng gà gáy trong suốt một tháng liền. Cơ khổ!!!

Không chỉ văn hóa khác biệt mới tạo nên khó khăn mà chính những vấn đề nảy sinh trong công việc cũng phần nào tạo rào cản với những người nước ngoài muốn lập nghiệp tại Việt Nam.

Anh Sando đã có kinh nghiệm làm việc cho một trung tâm ngoại ngữ và dạy trong một trường học Việt Nam. Nhưng giữa cái nóng mùa hè mà phải làm việc tất cả các ngày trong tuần quả thật đã vắt kiệt sức của người thầy giáo trẻ.

"Học sinh ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi khác thôi, tụi nhỏ muốn vừa  học nhưng cũng phải vừa được vui vẻ và thoải mái. Trẻ con luôn là trẻ con mà".

Bởi thế Sando chọn cách dạy nhẹ nhàng xen lẫn những ví dụ hài hước, dí dỏm để khơi dậy được niềm vui trong học tập với các học sinh.

Và cũng để tự tạo thêm niềm vui và sự thoải mái cho mình, ngoài dạy tiếng Anh, Sando còn sáng tác và tham gia biểu diễn trong một nhóm kịch và cùng nhóm hài.

Sano còn chịu khó học nấu các món ngon Việt Nam và đang dự định theo đuổi Vovinam - môn võ thuật khiến anh cảm thấy rất thú vị vì mang đậm tính cách dân tộc Việt.

"Điều khiến tôi tâm đắc và yêu quý nơi này có lẽ bởi khi so sánh với New Zealand - một quốc gia nhỏ với dân số chỉ 5 triệu người, thì chỉ riêng với dân số Hà Nội thôi đã đông hơn rồi, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ làm quen kết bạn hơn, được trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn. Việt Nam theo tôi thấy, là mảnh đất có nhiều cơ hội cũng như thách thức hơn New Zealand.

Có những người nước ngoài nói “yêu nơi này hoặc đi nơi khác” (“love it or leave it”), riêng tôi nghĩ đã đến đây chúng ta cần “yêu nơi này và (nếu cần thì góp phần) cải thiện nơi này” (“love it and improve it”) để mỗi ngày qua đi mình cùng mọi người cùng chia sẻ cảm giác vui mừng khi thấy hôm nay tốt hơn hôm qua…  Để rồi chúng ta sẽ cùng dựng xây nên một thành phố hoàn hảo” – Sando hào hứng nói.

Duy Khánh