Siêu bão Haiyan đang tiến về phía ven biển miền Trung

(Dân trí) - Từ chiều tối nay (9/11) khu vực Trung Trung Bộ mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị từ chiều tối nay có gió giật cấp 15, cấp 16.

Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, sáng sớm nay (9/11), sau khi đi vào vùng biển phía Đông Đông Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 14 đã suy yếu đi một chút.

Đến 7h ngày 9/11, tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 163 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 7h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 7h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
 
Ngư dân chằng buộc tàu thuyền trước khi bão vào
Ngư dân chằng buộc tàu thuyền trước khi bão vào

 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

 

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (9/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (9/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8. 

 

Từ chiều tối nay (9/11) ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 – 6m. Sóng biển 5 – 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.

 

Hiện các địa phương miền Trung đang căng sức đối phó với cơn bão cực kỳ nguy hiểm. Theo báo cáo từ Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, rạng sáng nay (9/11) Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm theo quy định của Chính phủ.
 
Hà Tĩnh: Di dời 14.000 hộ dân đối phó siêu bão Haiyan
 
Sáng nay (9/11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu di dời khẩn cấp hơn 14 nghìn hộ dân với hơn 50 nghìn nhân khẩu thuộc các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… đến nơi trú ẩn an toàn.

Siêu bão Haiyan đang tiến về phía ven biển miền Trung

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã chuẩn bị các xuồng, tàu để sẵn sàng ứng phó với siêu bão Haiyan

Theo báo cáo nhanh, hiện toàn bộ số tàu cá của Hà Tĩnh 3.904 tàu với 14.175 lao động đã nắm được thông tin về bão Haiyan. Đến 9h sáng nay (09/11), đang còn 112 phương tiện với gần 500 thuyền viên hoạt động trên biển và số tàu thuyền này cũng đã nhận được thông tin và đang vào nơi trú ẩn.

Để đối phó với siêu bão Haiyan,  trong đêm 08/11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 4 đoàn xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương để chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với siêu bão. Chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp, hướng dẫn nhân dân chằng chéo, gia cố lại nhà cửa. Các đơn vị tuyến biển kiểm tra việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị thường trực quân số 100%, túc trực 24/24 giờ. Đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng phó với siêu bão.

Trước đó, ngày 08/11, Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn hỏa tốc yêu cầu chính quyền các huyện ven biển phối hợp với Bộ đội biên phòng, Tiểu Ban An toàn nghề cá, các sở ngành có các phương án chủ động ứng phó với siêu bão Haiyan.

Người dân khẩn trương neo đậu tàu thuyền
Người dân khẩn trương neo đậu tàu thuyền

Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực công, hạ du hồ chứa, đặc biệt là hạ du các công trình thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn và Thượng Sông Trí khi phải xả lũ trong tình huống khẩn cấp, phải chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng phương tiện và lực lượng để chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn, đề phòng bị chia cắt, cô lập; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. 16h chiều nay thực hiện lệnh cấm biển, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi.

 

Bão Haiyan sẽ mở rộng ảnh hưởng tới vịnh Bắc Bộ

Hướng di chuyển của bão dự báo sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng ra khu vực vịnh Bắc Bộ sau khi đổ bộ vào đất liền. 

Trước diễn biến phức tạp của bão Haiyan, chủ trì cuộc họp sáng 9/11 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị: Hướng di chuyển của bão dự báo sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng ra khu vực vịnh Bắc Bộ sau khi đổ bộ vào đất liền, vì vậy, các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc cần triển khai ngay các biện pháp ứng phó kêu gọi tàu thuyền trên biển, đảm bảo an toàn hồ chứa, đề phòng lũ ống lũ quét ở vùng miền núi.

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo: Sáng 10/11, bão Haiyan sẽ áp sát vùng biển Quảng Ngãi và Đà Nẵng, sau đó men theo bờ biển nước ta và tiến dần vào bờ cho đến bắc địa phận tỉnh Quảng Bình, tâm bão sẽ nằm hoàn toàn trên đất liền.

Do ma sát trong quá trình di chuyển từ khu 5 đến khu 4, bão sẽ giảm cấp. Đáng lo ngại hiện nay là sau khi đổ bộ vào đất liền, bão suy yếu thành vùng thấp gây mưa lớn trên diện rộng các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc. Lượng mưa phổ biến từ 100 đến 300mm, có nơi cục bộ lên đến 500mm. Vì vậy cần đặc biệt đề phòng an toàn hồ chứa và vùng hạ du, chuẩn bị phương án ứng phó lũ ống, lũ quét, sạt lở đất các vùng miền núi và sơ tán dân.

Theo đánh giá chung, đến nay, Bộ đội Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm.

Tính đến 6h ngày 9/11, biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền thông báo hướng dẫn cho hơn 85.000 phương tiện với khoảng 384.000 người biết hướng di chuyển của bão Haiyan để chủ động phòng tránh.

Theo Minh Long

Vov

 

Phạm Thanh - Xuân Sinh – Văn Dũng