Siết chặt việc đội mũ bảo hiểm: Bao nhiêu cao điểm cho vừa?
(Dân trí) - Từ ngày 15/3 đến 19/5, lực lượng CSGT đã mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó siết chặt việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Đây là đợt cao điểm thứ hai trong 3 tháng đầu năm 2006. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tình trạng không đội mũ trên các tuyến đường quy định vẫn nhiều không đếm xuể…
Đường rộng… tha hồ phóng
Ngày 28/3, chúng tôi đã có mặt trên tuyến QL2, QL3, đường cao tốc Bắc Thăng Long -Nội Bài, đường Láng - Hoà Lạc, QL 5… Nhìn chung, tình trạng người điều khiển xe gắn máy không chấp hành đội mũ bảo hiểm (MBH) chiếm phần lớn.
Ngay ngã 3 Nguyễn Văn Cừ-Ngô Gia Tự-Nguyễn Văn Linh, có tấm bảng rất lớn đập vào mắt người điều khiển xe gắn máy cho thấy đường Nguyễn Văn Linh hướng đi Sài Đồng là tuyến đường bắt buộc phải đội MBH. Thế nhưng, chỉ lác đác vài người đội MBH. Đi cả đoạn đường dài mà chúng tôi không thấy chốt CSGT nào kiểm tra. Theo một số người dân ở đây, việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm kể trên gần như không được quan tâm.
Tại QL3 đi Thái Nguyên, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành quy định về đội MBH cũng diễn ra tương tự. Nhiều người điều khiển xe gắn máy phóng như bay trên tuyến quốc lộ luôn đông đúc các loại phương tiện như chưa từng biết đến quy định đường bắt buộc đội MBH.
Đêm 29/3, trên đường Láng-Hoà Lạc, tình trạng người ngồi trên xe gắn máy không đội MBH phổ biến hơn là ban ngày. Đường rộng, xe đông, rất nhiều xe máy, chủ yếu do thanh niên điều khiển mở hết tốc lực phóng trên đường, bỏ qua mọi quy định về an toàn giao thông.
Còn trên tuyến đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài, chúng tôi thấy một CSGT đứng chốt tuần tra tại đoạn cách cầu chui số 1 chừng 100m liên tục chỉ tay ra phía lòng đường, chặn những chiếc xe đang lao vun vút. Tuy nhiên, do số người vi phạm quá nhiều mà lực lượng lại quá mỏng, trong khi mặt đường rộng không thể chặn giữ được toàn bộ các phương tiện vi phạm. Đây là nguyên nhân giúp cho rất nhiều phương tiện vi phạm vượt chốt một cách dễ dàng. Thậm chí, một số người tìm cách thoát bằng cách giả vờ xe bị thủng săm, thủng thẳng dắt xe qua điểm chốt. Còn các phương tiện “không may bị bắt giữ” thì tranh cãi với CSGT như “sao không bắt người đi trước mà lại bắt tôi”.
Mũ bảo hiểm bị coi là… của nợ!
Rõ ràng, trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục tuyên truyền về lợi ích của chiếc mũ bảo hiểm đối với việc giảm thiểu số người chết do chấn thương nặng vì tai nạn giao thông, nhiều người dân vẫn coi thường tính mạng của mình khi lưu thông không đội MBH trên các tuyến đường bắt buộc. Thậm chí không ít người mang mũ nhưng chẳng thèm đội, chỉ thích treo bên hông xe của mình và chỉ vội lôi ra đội mỗi khi thấy bóng dáng CSGT.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, tình trạng lơ là của cơ quan chức năng sau mỗi đợt ra quân cũng khiến nhiều người điều khiển xe gắn máy cố tình “quên” việc đội MBH.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn ở Cổ Bi, Gia Lâm cho biết: “thỉnh thoảng cũng có thấy CSGT nhưng hình như họ không quan tâm đến việc kiểm tra người dân sử dụng MBH trên các tuyến đường quy định nên tôi để MBH ở nhà cho tiện”.
Hỏi chuyện một bác xe ôm đón khách phía trước cổng khu công nghiệp Thăng Long, được bác trả lời tỉnh queo: “CSGT không bắt, bọn tôi đội MBH làm gì cho mệt!”.
Phạm Phúc Hưng