Sẽ “quản” chặt các cơ sở sản xuất nước tương

Chiều 26/5, lãnh đạo và trưởng các phòng ban chức năng, Sở Y tế TPHCM, tiếp tục trao đổi về việc xét nghiệm mẫu phẩm nước tương và thông báo sẽ triển khai nghiêm một loạt biện pháp quản lý đối với các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng này ngay đầu tuần tới.

Theo thanh tra y tế thành phố, hiện mới có 5 doanh nghiệp trong danh sách 10 đơn vị sản xuất có hàm lượng 3-MCPD vượt mức quy định trong nước tương, theo công bố của cơ quan chức năng ngày 23/5, thông báo về việc xử lý lô hàng vi phạm.

 

Xí nghiệp nước chấm Nam Dương đã tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô hàng Tàu vị yểu 25oN, ngày 14/4, không có sự giám sát của cơ quan chức năng.

 

Lô hàng nước tương 22oN của Công ty Nosafood hiện nay không còn trong kho và đã lưu hành trên thị trường nên không thể tiến hành thu hồi và tiêu hủy.

 

Công ty nước tương Đông Phương, cơ sở nước tương Trường Thành cũng báo cáo đã bán hết sản phẩm có nồng độ 3-MCPD vượt mức.

 

Riêng số nước tương của cơ sở sản xuất thực phẩm Tứ Hữu vẫn còn niêm phong và gửi báo cáo đề nghị Sở Y tế thành phố giám sát việc tiêu hủy lô hàng này.

Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Lê Trường Giang cho biết, ngày 28/5, thanh tra y tế phải gọi điện thoại mời 10 doanh nghiệp vi phạm lên giải quyết những tồn tại của việc thu hồi, tiêu hủy và yêu cầu làm đúng quy định. Cơ sở nào thông báo đã thu hồi hay tiêu hủy phải trình bằng chứng.

 

Đơn vị chức năng cũng sẽ giám sát 10 nhà sản xuất trên, kiểm nghiệm lại mẫu phẩm tất cả các mặt hàng. Nếu mẫu phẩm nào còn chứa hàm lượng 3-MCPD, có nghĩa doanh nghiệp vi phạm mới, sẽ áp dụng biện pháp xử lý mạnh hơn. Mức cao nhất là rút chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Đầu tuần tới, Sở cũng ban hành văn bản yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn, trong thời hạn sớm nhất (3-5 ngày), mang kết quả kiểm nghiệm 3-MCPD đã đăng ký với Sở, nộp cho phòng ban chức năng. Theo luật định, các kết quả kiểm nghiệm đều phải được thực hiện trong 6 tháng, kể từ ngày Sở ra thông báo cho các đơn vị.

 

Đối với những cơ sở chưa xét nghiệm mẫu phẩm, được phép làm bổ sung trong khoảng 1 tuần. Sau thời gian này, nếu vẫn chưa có đăng ký kết quả, Sở ra quyết định tạm thu hồi, đình chỉ lưu hành sản phẩm đến khi có kết quả xét nghiệm. Các doanh nghiệp đã nộp kết quả mẫu phẩm, Sở sẽ tiến hành thanh tra và lấy mẫu xét nghiệm một lần nữa.

 

Ông Giang cho biết thêm, Phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và đơn vị liên quan thuộc Sở cũng gửi yêu cầu các nhà sản xuất loại nước chấm này trên địa bàn chưa tiến hành làm thủ tục để cấp chứng nhận về vệ sinh an toàn sẽ phải hoàn tất, hạn đến hết 30/6. Sau hạn định, cơ sở nào không có chứng nhận đủ điều kiện, Sở đề nghị ngành liên quan ra quyết định ngừng hoạt động. Và sau ngày này, Sở lập các đoàn thanh tra tất cả các mặt hàng nước tương của mỗi doanh nghiệp, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay.

 

"Đây là những biện pháp buộc doanh nghiệp phải chú trọng hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo điều kiện bình ổn tâm lý thị trường trong thời điểm nhạy cảm này", ông Giang nói.

 

Phó giám đốc Sở Y tế thành phố còn đề nghị những phòng ban chức năng thuộc Sở nên có cuộc họp hướng dẫn, huấn luyện công nghệ sản xuất nước tương có thể không để phát sinh hàm lượng 3-MCPD hoặc có hàm lượng thấp nhất cho doanh nghiệp chế biến nước tương trên địa bàn.

 

Lãnh đạo Sở cũng bày tỏ thiện chí sẽ cởi mở thông tin hơn với các cơ quan công luận, đồng thời thông báo thường xuyên đến UBND, Mặt trận tổ quốc, Hội bảo vệ người tiêu dùng... của thành phố, để những nơi này tiện theo dõi việc thực thi quản lý nhà nước đối với việc sản xuất nước tương.

 

Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM phân bua

 

Buổi gặp gỡ chiều 26/5 đã có mặt Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, ông Nguyễn Đức An. Trao đổi với báo giới, ông An đã giải thích lý do chậm công bố danh sách các doanh nghiệp sản xuất nước tương có nồng độ chất 3-MCPD vượt mức trong thời gian qua.

 

"Trước đây, khó khăn lớn nhất là khi phát hiện trong nước tương có chất 3-MCPD, chúng tôi không thể xử lý doanh nghiệp vì lúc đó Việt Nam không có quy định nào về giới hạn cho phép hàm lượng chất này. Ngay cả khi có quy định của Bộ Y tế thì năng lực của các đơn vị đủ chức năng kiểm định 3-MCPD cũng rất hạn chế".

 

Ông An thừa nhận, bản thân không thể nắm hết các đơn vị sản xuất nước tương trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, công tác kiểm tra luôn bị chồng chéo, kéo dài vì nhiều đơn vị sản xuất chuyển địa bàn ra vùng ngoại ô thành phố mà không thông báo nên đã làm chậm tiến độ kiểm tra.

 

"Tôi là người nóng tính, lại có bệnh trong người, nếu báo chí cứ hỏi dồn trong khi công việc quá tải thì tôi có thái độ cáu gắt hoặc từ chối tiếp xúc. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn làm việc đúng theo quy định, thanh tra có quy tắc của mình và cũng phải tuân thủ các quy định của luật pháp chứ không thể tự tiện công bố thông tin", ông An phân trần.

 

Ngoài ra, ông An cũng phàn nàn rằng, Sở yêu cầu các quận huyện báo cáo danh sách những cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn thành phố nhưng đến nay mới chỉ có 11 trên tổng số 24 quận huyện gửi danh sách.

 

Trưởng phòng vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế thành phố, Huỳnh Lê Thái Hòa, đã đề xuất một số giải pháp cho việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tương từ nay đến hết quý II. Theo đó, cần có người trực tiếp giám sát 10 doanh nghiệp có kết quả kiểm tra 3-MCPD dương tính, buộc các doanh nghiệp này thực hiện đúng quy định xử phạt là niêm phong và tiêu hủy các sản phẩm dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thu hồi lại toàn bộ lô hàng có nồng độ 3-MCPD vượt mức, tránh trường hợp lưu thông trên thị trường gây hoang mang cho người tiêu dùng; Lấy mẫu toàn diện và khảo sát quy trình sản xuất nước tương trên địa bàn thành phố. Những quy trình không phù hợp sẽ phải thay đổi và cải tiến công nghệ; Thành lập 2 đến 3 đoàn thanh tra để tăng cường công tác kiểm tra, có cái nhìn toàn cảnh hơn về chất 3-MCPD trong nước tương trên thị trường.

 

Theo VnExpress