Sau ồn ào Bái Đính, Tam Chúc, rà soát việc cấp đất xây dựng chùa trên toàn quốc

(Dân trí) - Sau khi dư luận ồn ào xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng để doanh nghiệp xây chùa, Tổng cục Quản lý đất đai đang tiến hành tổng hợp báo cáo của 63 địa phương trên cả nước về việc cấp đất xây chùa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/10, ông Mai Văn Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, vừa qua dư luận ồn ào xung quanh việc nhiều địa phương cấp hàng trăm ngàn hecta đất xây dựng chùa chiền.  

Theo ông Phấn, việc cấp đất xây dựng chùa chiền chỉ là cách nói dân dã, còn theo quy định pháp luật là cấp đất cho cơ sở tôn giáo và việc này đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai.

“Để được giao đất, cơ sở tôn giáo đấy phải có tư cách pháp nhân, phải được nhà nước công nhận; còn căn cứ là phải có quy hoạch sử dụng đất, có dự án xây chùa,...”- ông Phấn nói.

Qua nắm bắt thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình cấp đất xây dựng các cơ sở tôn giáo.

Hiện nay Tổng cục Quản lý đất đai đang tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố về vấn đề này, qua đó sẽ làm rõ các địa phương có tuân thủ đúng quy định hay không để có những chấn chỉnh kịp thời.

Sau ồn ào Bái Đính, Tam Chúc, rà soát việc cấp đất xây dựng chùa trên toàn quốc - 1

Chùa Bái Đính (Ảnh: Thái Bá).

Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 hecta để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 hecta để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 hecta để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất; không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Tại dự án chùa Tam Chúc, từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án.

Trong đó, Quyết định số 1364 ngày 04/11/2008 cho doanh nghiệp này thuê đất với diện tích 509,0 hecta, thời hạn 50 năm. Quyết định số 1380 ngày 09/11/2011 giao 306,1 hecta đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quyết định giao đất của tỉnh Hà Nam còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (ATK) Định Hóa có quy mô sử dụng đất là 19,9 ha thì đến nay UBND tỉnh Thái Nguyên chưa giao đất cho doanh nghiệp. Lý do là doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ việc cấp phép đầu tư cho những dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh sau khi đã đánh giá đầy đủ giữa chi phí và lợi ích của việc thực hiện dự án.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các dự án có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án có liên quan đến các khu di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, khu bảo tồn, di tích lịch sử văn hóa mà chưa có đánh giá đầy đủ tác động tới môi trường.

Thế Kha