Sáng mai bão vào Quảng Ninh - Ninh Bình, hơn 1.600 du khách vẫn "mắc" ở Cô Tô

(Dân trí) - Dự kiến, 4h sáng mai (4/7), bão số 2 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình. Hiện nay, vẫn còn 1.640 khách du lịch (trong đó có 4 du khách nước ngoài) đang ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Sáng nay (3/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2.

Sáng mai bão vào Quảng Ninh - Ninh Bình, hơn 1.600 du khách vẫn mắc ở Cô Tô - 1

Quang cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy Quốc gia cho biết, 7h sáng nay, bão số 2 cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 380km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh cấp 8 và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15 km/h.

"Bão số 2 di chuyển với tốc độ trung bình 10-15 km/h, trưa và chiều nay bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ. Vào Vịnh Bắc Bộ bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc có khả năng mạnh thêm thêm (giữa cấp 8, giật cấp 11). Dự kiến, 4h sáng 4/7, bão có khả năng đổ bộ vào đất liền, trọng tậm là các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình" - ông Lâm cho biết.

Sáng mai bão vào Quảng Ninh - Ninh Bình, hơn 1.600 du khách vẫn mắc ở Cô Tô - 2

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Cũng theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão, mưa lớn sẽ xuất hiện ở Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, sau đó mưa mở rộng ra Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc. Tổng lượng mưa 100-250mm, có nơi trên 300mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ từ 50-150mm/đợt. Quảng Bình - Quảng Nam mưa khoảng 50-100mm/đợt.

"Mưa lớn nhất sẽ tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa – Hà Tĩnh. Dự kiến, 19h đêm nay đến 19h ngày mai (4/7), mưa sẽ tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ. Đến 19h ngày 4/7, mưa lại dịch lên vùng núi phía Bắc, lượng mưa khoảng 100-250mm, có nơi trên 300mm; đồng bằng Bắc Bộ mưa chỉ 100-150mm" - Ông Lâm thông tin.

Ngoài ra, theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão, gió mạnh sẽ xuất hiện trên các huyện Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Vân Đồn và nguy cơ sạt lở ở các hầm lò, bãi thải.

Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) - cho biết, từ khi hình thành áp thấp nhiệt đới (30/6), đơn vị đã chỉ đạo các địa phương thông báo tới các tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (nay là bão số 2) biết, có phương án di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Theo đại tá Đình, hiện tại đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.557 tàu cá / 229.311 người ; 484 tàu du lịch; 146 tàu vận tải/ 2.394 người; 05 tàu nước ngoài /82 người; 8.838 lồng bè, lều, chòi canh/ 10.750 người.

Sáng mai bão vào Quảng Ninh - Ninh Bình, hơn 1.600 du khách vẫn mắc ở Cô Tô - 3

Đại tá Trần Văn Đình.

"Hiện trên đảo Cô Tô của Quảng Ninh vẫn còn 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài. Tôi đề nghị Ban chỉ đạo cần liên hệ với Quảng Ninh để đảm bảo an toàn cho những du khách này" - Đại tá Đình thông tin.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Trước tình hình diễn biến phuc tạp của bão cần quán triệt từ Trung ương đến địa phương không được chủ quan, chú ý tập trung đến các tàu vãng lai, thường những tàu này không nắm rõ được thông tin luồng lạch,... Cần quan tâm đến các khu neo đậu, lồng bè chòi canh nuôi hải sản và khách du lịch,...”.

Sáng mai bão vào Quảng Ninh - Ninh Bình, hơn 1.600 du khách vẫn mắc ở Cô Tô - 4

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo Bộ trưởng Cường, các địa phương không được chủ quan, chuẩn bị kỹ các phương án khi ứng phó với bão số 2. Chú ý đến các hoạt động kinh tế trên bờ từ Quảng Ninh cho đến Ninh Bình, đặc biệt các công trình đang thi công.

“Đề phòng các hoạt động du lịch ở các địa phương, các đô thị trung tâm mưa cục bộ sẽ dễ gây ngập úng. Đặc biệt quan tâm tuyến đê quai ở Thái Bình, hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp cần chú ý. Các thủy điện nhỏ, dung tích chứa ít, mưa lớn gây nguy hiểm. Các diện tích lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh cần hết sức chú ý đề phòng”-  Bộ trưởng cường nhấn mạnh.

Bô trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý thêm: “Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất,.... đặc biệt ở Quảng Ninh cần hết sức chú ý. Công tác thông tin dự báo cần bám sát liên tục và không được chủ quan, tham khảo dự báo của quốc tế là yếu tố vô cùng quan trọng,...".

Nguyễn Dương

Dòng sự kiện: Cơn bão số 2