Sân bay “tệ nhất châu Á”: Sân bay quốc tế xứng tầm… địa phương?

(Dân trí) - Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị xếp vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014 là thông tin không làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi lâu nay, chuyện bát mỳ, cốc nước, nhà vệ sinh ở sân bay cũng khiến hành khách… “khó thở”!

Trang mạng Sleepinginairports đưa ra danh sách xếp hạng sân bay tệ nhất châu Á dựa trên ý kiến của những người đi máy bay, đã từng đặt chân đến và sử dụng hạ tầng, dịch vụ tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất của Việt Nam. Sự phản ánh của hành khách chắc chắn trung thực với những gì họ chứng kiến và cảm nhận.

 

Không ngạc nhiên về vị trí xếp hạng của 2 sân bay lớn nhất Việt Nam, một cán bộ cấp cao của ngành hàng không khi trao đổi với PV Dân trí thậm chí còn đưa ra ý kiến “nghiêm khắc” hơn: “Thế là còn đỡ đấy! Xếp sân bay Tân Sơn Nhất vào hạng tệ nhất châu Á còn được, chứ đưa Nội Bài vào danh sách này vẫn là quá ưu ái”.

 

“Nhiều hãng hàng không quốc tế đã lắc đầu và không mở đường bay tới Nội Bài bởi vì hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ của sân bay này quá tệ. Họ không muốn hợp tác với một sân bay có tiếng là quốc tế nhưng năng lực thì chỉ xứng tầm địa phương...” - vị cán bộ này dẫn chứng.
 
Hình ảnh chật chội, chen chúc thường thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM)

Hình ảnh chật chội, chen chúc thường thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM)

 

Không dám ăn mỳ, sợ đi vệ sinh!

 

Thực tế đúng là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có hạ tầng thiếu thốn và chật chội. Ở khu vực sân đỗ, máy bay cũng phải xếp hàng mới được đỗ; bên trong nhà ga, hành khách nhấp nhổm, vạ vật vì thiếu ghế; có người phải leo cả lên cầu thang để ngồi chờ làm thủ tục bay.

 

Sóng wifi sân bay có nhưng thường là không bắt được, dịch vụ giải trí không có, khu vực mua sắm rất hạn chế, không có những điểm giới thiệu về văn hóa quê hương đất nước...

 

Thời gian trước đây, hành khách đến sân bay quốc tế Nội Bài luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị “chặt chém” khi sử dụng dịch vụ phi hàng không tại đây. Giá 1 bát mỳ tôm khi đó là 50.000 đồng, nước suối 40.000 đồng/chai, có trường hợp mua 2 ổ bánh mỳ bị “móc túi” tới 180.000 đồng… Thậm chí, “điệp khúc” tăng giá thỉnh thoảng được lặp đi lặp lại.

 

Sau rất nhiều phản ánh của hành khách, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải chủ trì cuộc họp chấn chỉnh giá dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không sân bay trên toàn quốc; dẹp nạn “chặt chém” ở sân bay. Nhờ vậy giá dịch vụ tại các sân bay đã giảm xuống đáng kể. 

 

Tại Tân Sơn Nhất, thời gian sân bay cao điểm nhất trong ngày là sáng sớm và chiều tối - đây là thời gian các chuyến bay đến/đi dồn dập, nhưng vì hạ tầng sân bay không đáp ứng được nên hàng khách ở sân bay thời điểm này cũng phải “sống chung với lũ”.
 
Hình ảnh chật chội, chen chúc thường thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM)

 

Những ngày này khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, do đơn vị khai thác đang cơi nới sân bay nên mỗi hành khách đều cảm thấy khó chịu vì chỗ này quây bạt chỗ kia khoan cắt, nhà ga sân bay lúc nào cũng ầm ĩ như một công trường xây dựng vừa bụi bặm vừa nóng bức.

 

Chỗ ngồi thiếu, ghế dài để nằm nghỉ càng không, nhiều hành khách chờ nối chuyến hoặc chờ chuyến bay bị chậm/hủy quá mệt mỏi nhưng không còn cách nào khác là phải “ngả lưng” trên sàn nhà.

 

Chỉ cách đây ít tháng, hệ thống nhà vệ sinh tại Tân Sơn Nhất xập xệ và sặc mùi hôi khai nên việc phải đi vệ sinh ở sân bay là điều bất đắc dĩ với các hành khách.

 

Cũng giống như ở Nội Bài, hệ thống mạng wifi miễn phí tại sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng tậm tịt. Chính đơn vị khai thác cảng Tân Sơn Nhất cũng phải e ngại rằng, có thể thời gian tới, ghế cho hành khách ngồi chờ ra tàu bay cũng không có chỗ để lắp nên đừng mong có các dịch vụ như ở các sân bay nước ngoài.

 

Công bằng mà nói, hạ tầng và dịch vụ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được đầu tư nâng cấp, nhưng sự cải thiện chưa nhiều. Bởi thế, chính người đứng đầu ngành GTVT cũng phải tự châm biếm rằng, rất may các sân bay của ta chưa lọt top “tệ nhất thế giới”!

 

Châu Như Quỳnh