Sân bay Tân Sơn Nhất có thêm 40ha đất do quân đội "nhường"

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết Bộ này đã thống nhất bàn giao 20ha đất ở Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 1 cho Bộ Giao thông – Vận tải và có thể giao thêm diện tích tương tự nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Giai đoạn 2, 20ha nữa sẽ được bàn giao.

 

Phiên họp trực tuyến cuối năm của Chính phủ dự kiến kéo dài hết sáng 29/12.
Phiên họp trực tuyến cuối năm của Chính phủ dự kiến kéo dài hết sáng 29/12.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, hoạt động của máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất gây cản trở đến hoạt động bay dân dụng, đặc biệt trong quá trình các máy bay này sửa chữa, bay thử nghiệm.

“Chính vì thế, qua trao đổi, dù Bộ Giao thông chỉ đề nghị “nhường” 9 ha nhưng Bộ Quốc phòng đã chủ động bàn giao 20ha trong giai đoạn một. Lực lượng không quân đóng ở Tân Sơn Nhất theo đó di chuyển ra khỏi TP HCM, đóng ở các địa phương lân cận” – Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thông tin.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2, Bộ Quốc phòng có thể giao thêm 20 ha. Theo đó, TPHCM có thể mở rộng đường Cộng Hòa vào sân bay để giảm ùn tắc.

Theo ông Thanh, việc bàn giao đất quân sự cho giao thông sử dụng sẽ được tiến hành theo hướng lưỡng dụng, khi có nhu cầu, Bộ Quốc phòng sẽ tái sử dụng.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với diện tích 850 ha đứng đầu về công suất nhà ga và cũng là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam. Hiện, lực lượng không quân đóng ở sân bay này có đội trực thăng và máy bay vận tải.

Cũng theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, ngoài Tân Sơn Nhất, việc di chuyển lực lượng không quân đóng ở các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng cũng đã có lộ trình thực hiện. Ngoài ra, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không không quân sẽ bàn giao đất để Thủ đô mở rộng đường Lê Trọng Tấn dài khoảng 2 km.

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, việc phối hợp với các thành phố còn chậm nên đề nghị lãnh đạo các địa phương chủ động để đẩy nhanh các dự án giao thông.

Bộ trưởng Quốc phòng giải thích, quân đội nhận thức rằng kinh tế là trung tâm, các bộ, ngành phải xoay quanh. Dù sẽ tăng thêm phần khó khăn nhưng anh em chiến sĩ rất quyết tâm và sẵn sàng hy sinh vì sự phát triển của đất nước. Việc bàn giao lại một số lượng lớn “đất vàng” cũng là cách để quân đội phục vụ phát triển kinh tế.

Liên quan tới việc điều chỉnh hoạt động của quân đội phục vụ ngành hàng không, phát triển kinh tế, tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Thanh cũng đã có báo cáo trước đại biểu Quốc hội. Ông cho hay, Bộ đã chủ động báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho điều chỉnh 23 đường bay.

Trước đây để tránh các khu vực không quân huấn luyện, các chuyến bay dân sự phải bay dài hơn, tốn kém hơn, nay điều chỉnh lại giúp bay ngắn hơn.

Với hướng điều chỉnh này, có thể tiết kiệm được 40.000 giờ mỗi năm cho các chuyến bay dân dụng nói chung.

Doanh nghiệp Quốc phòng đóng thuế 2 tỷ USD

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết trong năm 2015 các doanh nghiệp thuộc khối quốc phòng nộp cho ngân sách trên 44.000 tỷ (khoảng 2 tỷ USD) tiền thuế.

Trong đó, dẫn đầu vẫn là Tập đoàn Viettel với hơn 37.000 tỷ đồng. “Nói vậy để thấy Quân đội không chỉ biết tiêu tiền mà cũng làm ra tiền và đóng góp lớn cho ngân sách”, tướng Thanh nói.

P.Thảo