Rừng phòng hộ tự nhiên tại Quảng Trị tiếp tục… “chảy máu”!

(Dân trí) - Hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên đã bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ, xẻ phách vận chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại bìa gỗ nằm ngổn ngang giữa rừng. Xung quanh những gốc cây bị chặt hạ còn tứa nhựa là lượng lớn mùn cưa vẫn còn rất mới.

Thực trạng đáng buồn này được nhóm phóng viên chúng tôi ghi nhận tại khu rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) quản lý.

Tan nát rừng tự nhiên phòng hộ Quảng Trị


Những bìa gỗ sau khi được xẻ, nhiều phách còn sót lại trong rừng

Những bìa gỗ sau khi được xẻ, nhiều phách còn sót lại trong rừng

“Lâm tặc” ngang nhiên “xẻ thịt” rừng

Từ Km 52 trên QL 9 nối từ Đông Hà lên Lao Bảo, chúng tôi rẽ vào con đường đất dẫn đến khu vực rừng tự nhiên phòng hộ để nắm bắt tình hình, nhằm ghi nhận việc tàn phá rừng phòng hộ đang diễn ra tại đây. Con đường này do Công ty CP Năng lượng Quảng Trị đang tiến hành san ủi, mở rộng để phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị xây dựng Nhà máy thủy điện Khe Nghi.

Men theo con đường này khoảng 4km, những dấu hiệu về việc tàn phá rừng dần hiện ra. Nhiều cây gỗ lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ nằm ngổn ngang, chỉ còn lại bìa gỗ và mùn cưa vương vãi khắp nơi. Càng tiến sâu vào bên trong khu rừng, chúng tôi phát hiện thêm hàng loạt cây gỗ khác cũng chung số phận tương tự. Điều đáng nói, một số cây gỗ bị đốn hạ với vết cắt còn khá mới, dường như các đối tượng “lâm tặc” đã xẻ phách và vận chuyển đi cách đây chưa lâu. Thậm chí, có những cây gỗ vừa bị đốn hạ cách đây chỉ vài giờ.

Những phần gỗ bị loại bỏ khi lấy phần khối
Những phần gỗ bị loại bỏ khi lấy phần khối

Theo quan sát, tại khu rừng thuộc tiểu khu 678D, 688, thuộc địa phận Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) quản lý, các cây gỗ bị đốn hạ có đường kính khoảng từ 40-60cm. Ước tính sơ bộ có khoảng hàng chục cây gỗ như vậy nằm ngổn ngang giữa rừng. Hầu như các cây gỗ lớn đều bị đốn hạ không thương tiếc. Những gốc cây còn tứa nhựa nằm trơ trọi, với cành, lá héo úa khắp nơi.

Những gốc cây trơ trọi chúng tôi bắt gặp giữa rừng
Những gốc cây trơ trọi chúng tôi bắt gặp giữa rừng

Phần gỗ vừa bị lâm tặc đốn hạ cách đây không lâu
Phần gỗ vừa bị "lâm tặc" đốn hạ cách đây không lâu

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ quan sát tại khu rừng này, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt cây gỗ lớn bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ. Việc “xẻ thịt” rừng dường như diễn ra khá ngang nhiên, đáng báo động. Những thân cây mà chúng tôi đã bắt gặp, ước tính cũng có tuổi thọ 30-40 năm, tức là phải mất thời gian khá dài mới hình thành được những cánh rừng xanh ngút như vậy, nhưng cảnh tượng trước mắt khiến ai chứng kiến cũng không khỏi ái ngại.

Lực lượng mỏng, nhiều lần bị “lâm tặc” chống trả

Để có được câu trả lời xác đáng trước thực trạng tàn phá rừng phòng hộ, chúng tôi tìm gặp đại diện Công ty CP Năng lượng Quảng Trị, đơn vị đang tiến hành thi công công trình Thủy điện Khe Nghi.

Ông Lê Thanh Hải, Chánh văn phòng Công ty CP Năng lượng Quảng Trị cho biết: “Khi được đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bàn giao mặt bằng phục vụ việc xây dựng công trình thủy điện, đơn vị chúng tôi đã tiến hành san ủi, mở đường vào khu vực rừng tự nhiên phòng hộ nối từ xã Đakrông đến xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa), với chiều dài hơn 8km, xuyên qua khu rừng này để tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và các trang thiết bị phục vụ thi công. Tuy nhiên, khi con đường này được mở ra thì một số đối tượng lợi dụng đường thông thoáng để vào chặt cây rừng. Lúc bắt gặp các đối tượng mang cưa máy vào đốn cây, vì không thuộc trách nhiệm nên chúng tôi phải báo với các cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn”.

Hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc
Hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc

“Khu vực rừng này có đan xen với đất đai, cây cối của người dân địa phương nên chúng tôi không nắm rõ ranh giới cụ thể. Khi thi công công trình đã thực hiện việc đền bù đất đai, cây rừng cho người dân. Hơn nữa, các đối tượng chặt cây rừng vận chuyển gỗ đi bằng đường tắt nên đơn vị chúng tôi không giám sát được. Một số lần bắt gặp thì bị họ phản ứng, thậm chí các công nhân còn bị những người này đe dọa”, ông Hải nói.

Những thân cây lớn còn khá ngổn ngang
Những thân cây lớn còn khá ngổn ngang

Thừa nhận có tình trạng người dân tự ý mang máy cưa vào rừng chặt phá cây, ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông- Hướng Hóa cho biết: “Khi đơn vị thi công triển khai xây dựng nhà máy Thủy điện Khe Nghi, lợi dụng có con đường được mở xuyên vào rừng, một số người dân tại địa bàn thôn Vùng Kho, xã Đakrông đã dùng máy cưa, xe máy ồ ạt vào rừng khai thác gỗ tự nhiên trái phép tại tiểu khu 678D, 688 thuộc địa phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông- Hướng Hóa. Số gỗ bị khai thác trái phép chủ yếu thuộc nhóm V đến nhóm VII”.

Gốc cây còn tứa nhựa mà lâm tặc mới đốn hạ
Gốc cây còn tứa nhựa mà "lâm tặc" mới đốn hạ

Rừng phòng hộ tự nhiên tại Quảng Trị tiếp tục… “chảy máu”! - 8

Ngổn ngang bìa gỗ trong rừng
Ngổn ngang bìa gỗ trong rừng

Ông Tý cho hay: Mặc dù lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban đã đóng lán ở lại tại rừng, tăng cường lực lượng để tuyên truyền, vận động, tuần tra, ngăn chặn, đẩy lùi các đối tượng vào rừng khai thác gỗ. Nhưng các đối tượng này không chấp hành mà còn thách thức, ngang nhiên cưa đốn, chặt hạ gỗ. Họ không kể cả ngày lẫn đêm lén lút vào rừng, có nhiều thủ đoạn liều lĩnh, bất chấp pháp luật để dùng máy cưa, xe máy vào rừng chặt hạ gỗ trái phép.

Gốc cây có đường kính gần 60 cm bị chặt hạ
Gốc cây có đường kính gần 60 cm bị chặt hạ

Trình bày một loạt khó khăn trong hoạt động bảo vệ rừng, ông Tý nói: “Nhiều lần chúng tôi đã tổ chức truy quét, có sự phối hợp giữa lực lượng của Ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm, công an môi trường, chính quyền địa phương và đã bắt quả tang và lập biên bản, tịch thu một số lượng gỗ do các đối tượng khai thác trái phép. Nhưng cũng nhiều lần khi lực lượng phối hợp của chúng tôi vào tận nơi thì họ đã nắm bắt và ra khỏi rừng nên không ngăn chặn được. Một số cán bộ của chúng tôi không ít lần bắt gặp các đối tượng phá rừng thì bị đe dọa, đập phá xe máy, thậm chí là uy hiếp tính mạng”.

Đăng Đức