Nghệ An:

Rùng mình với nghề... đứt tay chảy máu

(Dân trí) - Giữa một khoảng sân rộng, mười người phụ nữ lúi húi bên những đống kính vỡ, tay thoăn thoắt nhặt kính rồi đóng vào bao tải. Không ít lần, những mảnh kính cứa vào tay họ chảy máu nhưng không ai vì thế mà bỏ nghề.

Thấy kính vỡ là lao tới!
Những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề lượm kính vỡ
Những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề lượm kính vỡ
Trong cái giá rét những ngày đầu đông, chúng tôi tìm đến nơi làm việc của những người phụ nữ phân loại kính vỡ nằm cạnh khu công nghiệp Bắc Vinh (Nghệ An). Cạnh những đống kính nhọn hoắt đủ màu sắc đang chĩa tứ tung, từng người vẫn miệt mài đập, nhặt kính vỡ. Những âm thanh loảng xoảng của kính vỡ át mọi tiếng nói chuyện. Thấy chúng tôi bước vào, chị Hoàng Thị Vân (47 tuổi, trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nhắc: “Các em đi vòng ra phía sau cho dễ kẻo đạp phải kính vỡ chảy máu đấy”. Chị Vân tâm sự, chị gắn bó nghề phân loại kính được gần 2 năm nay. Cuộc sống gia đình khó khăn khi cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào 6 sào ruộng khoán. Thu nhập từ nghề nông nghiệp không ăn thua bởi chi phí đầu tư đắt đỏ, giá lúa lại thấp nên nhà chị thường xuyên phải lo chạy ăn từng bữa.
Làm bạn cùng kính, gương vỡ
"Làm bạn" cùng kính, gương vỡ

Thời gian trước, chị Vân cùng mấy chị em trong xã lập “tổ cửu vạn” vào TP Vinh kiếm việc làm, ai thuê gì thì làm nấy. Khi nghe có một ông chủ ở miền Bắc thuê người nhặt kính, phân loại để tái chế, chị Vân cùng mọi người xin vào làm. Thời gian đầu mới vào làm, nhìn thấy đống kính vỡ đổ ngổn ngang, sắc lẹm ai cũng thấy “ớn” vì sợ đứt tay, chảy máu. “Ở nhà, mấy tấm kính vỡ thì tôi đều đem vứt đi vì nó không có tác dụng gì nữa nhưng khi vào làm thì mới biết những tấm kính vỡ lại có thể tái chế được. Lúc đầu chưa quen công việc nên chúng tôi thi thoảng lại bị kính đâm vào tay, chân làm chảy máu nhưng làm riết rồi cũng quen cả thôi”, chị Vân nói.

Bên cạnh chị Vân, chị Nguyễn Thị Hoa (49 tuổi, xã Hưng Tây) cũng đang thoăn thoắt hốt từng mảnh kính, phân loại rồi xúc vào bao xi măng với đôi găng tay mỏng dính.
Nhà có 3 đứa con trong đó hai đứa đang tuổi ăn tuổi học nên vợ chồng bà Hoa cũng phải bươn chải mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Bà Hoa tâm sự: “Ở gần nhà có khu công nghiệp đó nhưng bây giờ tôi cũng đứng tuổi rồi nên không ai nhận vào làm cả. Người khác thấy kính vỡ là tránh, còn tụi tôi thấy một mảnh vỡ cũng sấn tới. Biết là nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác…”.
Theo bà Hoa, công việc phân loại kính tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo nếu không thì dễ gặp tai nạn khi những mảnh kính vỡ đâm vào cơ thể. Điều này cũng dễ hiểu tại sao công việc này chỉ toàn là phụ nữ. Trong số 10 người làm việc ở đây, phần lớn đều là những người phụ nữ đã “luống tuổi”. Người ít tuổi nhất là chị Lan (24 tuổi) cũng gắn bó với việc nhặt kính được gần một năm nay.  “Chỉ mong con cái hết khổ” Mỗi ngày, công việc của những người nhặt kính ở đây bắt đầu từ 7h sáng đến 17h. Những tấm gương, kính vỡ sẽ được thu gom từ các cơ sở cắt gương kính trong thành phố, các bãi rác và được tập kết, đổ thành từng đống. Ngày ít thì một chuyến, hôm nào nhiều thì vài ba chuyến được thu gom về đây. Nhiệm vụ của họ là phân loại kính màu, kính trắng, gương vào những bao tải khác nhau. Nếu những tấm kính nào bẩn sẽ được rửa sạch, để ráo nước rồi mới phân loại. Mười người sẽ thay phiên nhau sàng lọc những tấm kính vỡ lớn, bé có thể tái chế được. “Ngày nắng thì chúng tôi phải phủ tấm bạt lớn lên cho đỡ nắng để làm việc, còn ngày mưa thì đành phải nghỉ làm vì kính trơn lắm”, chị Vân cho biết.
Thường xuyên tiếp xúc với gương kính vỡ nên nhiều người nửa đùa nửa thật gọi đây là nghề đổ máu
Thường xuyên tiếp xúc với gương kính vỡ nên nhiều người nửa đùa nửa thật gọi đây là nghề "đổ máu"
Mặc dù thường xuyên phải tiếp xúc với những mảnh kính vỡ sắc lẹm nhưng dụng cụ bảo hộ lao động của họ lại rất đơn giản, sơ sài và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Đồ bảo hộ lao động nói “cho oai” nhưng đó chỉ là đôi ủng, đôi găng tay mỏng tanh và chiếc khẩu trang. Chỉ một chút sơ suất, kính vỡ sẽ để lại trên cơ thể nhiều vết sẹo lớn nhỏ. Việc “sống chung” với kính và chảy máu khi nhặt kính là quá đỗi bình thường với họ. Ấy vậy nên nhiều người nửa đùa, nửa thật gọi đây là nghề “đổ máu”. Lật đôi găng tay cũ kỹ lộ đôi bàn tay thô ráp, chị Hoa kể, không ít lần những mảnh kính vỡ xuyên qua cả lớp găng tay, làm chảy máu. Những lúc như thế, nếu không làm sạch vết thương thì rất dễ bị nhiễm trùng. “Cứ khoảng 4-5 ngày, tôi lại phải thay đôi găng tay một lần vì kính làm hỏng găng tay. Chỉ cần một mảnh vụn cắt vào tay là để lại những vết sẹo, muốn tránh cũng không được nên lúc nào chúng tôi cũng làm việc rất cẩn thận từng tý một”, chị Hoa bộc bạch.
Thu nhập từ nghề nhặt kính vỡ khoảng 80.000 đồng/ngày.
Thu nhập từ nghề nhặt kính vỡ khoảng 80.000 đồng/ngày.
Thu nhập từ nghề nhặt kính khoảng 80.000đồng/người/ ngày, tuy không cao nhưng với nhiều gia đình thì đây là nguồn thu nhập chính giúp trang trải chi tiêu cuộc sống hằng ngày và nuôi con cái ăn học. “Nhiều hôm về giặt đồ thấy vết máu khô còn dính trên áo tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng ngoài cái nghề nhặt kính này thì tôi cũng chẳng biết làm chi. Thôi thì, mình cứ nai lưng ra làm, được đồng nào đỡ đồng đó. Đời mình cơ cực rồi, chỉ mong sao con cái học hành tử tế để nó không khổ như bố mẹ nó”, chị Hoa tâm sự.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy