“Rót” đầu tư hạ tầng, tạo liên kết vùng làm động lực phát triển ĐBSCL

(Dân trí) - ĐBSCL mang lại 16% GDP của cả nước nhưng ngân sách chi đầu tư phát triển cho vùng chỉ bằng 10% tổng chi, thấp nhất so với các vùng khác. Giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng là tăng hiệu quả quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng để chuyển đổi hướng sản xuất nông nghiệp.

 

can-tho-434df
Hệ thống cầu đường được xác định là cơ sở tạo mối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế tại ĐBSCL.

Ngày 21/8, Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 5 năm tới được tổ chức tại Cần Thơ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự, chỉ đạo tại hội nghị.

ĐBSCL là vùng có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá, bình quân của vùng ước đạt 8,87%/năm. Nông nghiệp phát triển ổn định, giữ vững vai trò vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Vấn đề đặt ra là dù đóng góp gần 16% cho GDP cả nước, nhưng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất so với các vùng khác. Kết cấu và quy mô vùng còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao.

Ngoại trừ TP.Cần Thơ, các tỉnh còn lại trong vùng có mức thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết được chuỗi giá trị cho nông sản; môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư (số dự án và số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% so với cả nước).

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng của cả khu vực được xác định là còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ (70% khối lượng hàng hóa vẫn phải nhập qua TP Hồ Chí Minh dẫn tới chi phí vận tải tăng cao); chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế (tỷ lệ lao động được đào tạo mới chỉ 45,72%, thấp hơn mức trung bình cả nước);…

Tham luận tại hội thảo,Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, phát triển đô thị là phương thức và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi khu vực, mỗi vùng miền. Đây là xu thế tất yếu của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Chính vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang cần phải được xem xét trong bối cảnh liên kết chung của toàn vùng trên cơ sở hệ thống các đô thị là các động lực phát triển

Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển đô thị, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy nêu nguyên tắc, trên cơ sở quy hoạch được duyệt mỗi đô thị trong vùng cần xác định rõ định hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể quy hoạch vùng tỉnh và toàn vùng, từ đó xây dựng Chương trình phát triển đô thị, hình thành các khu vực phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, từ đó mới xác định các dự án cụ thể để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo đồng bộ theo lộ trình.

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, tổ chức các hội thảo tham vấn trong nước và quốc tế để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn mới; Tiếp tục xúc tiến và hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm...

Thống nhất với những phân tích, nhận định về những khó khăn của vùng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, hạ tầng cơ sở vốn chỉ phục vụ cho nghề trồng lúa, trong khi hiện giờ vùng đang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên hạ tầng cơ sở cũng phải thay đổi để phục vụ cho các ngành nghề khác nhau.

Hơn nữa, không chỉ hạ tầng kinh tế mà cần phát triển đồng đều hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa... và kết nối được hệ thống này với nhau để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Theo Phó Thủ tướng, việc hệ trọng của vùng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức lại sản xuất để chuyển lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Đi liền với đó là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và quy mô lớn để tạo ra giá trị sản xuất cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành trong vùng nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực đầu tư từ tư nhân và xã hội. Chính phủ cũng đang tiến hành sơ kết việc huy động vốn xã hội hóa để bộ máy chính quyền thực hiện công việc này hiệu quả hơn.

P.Thảo