Rất may vì Chính phủ “sợ” Quốc hội (!?)

(Dân trí) - Khẳng định vai trò giám sát của Quốc hội đối với hoạt động điều hành của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét: “Chính phủ rất “sợ” Quốc hội và điều đó là… rất may”.

Ngày 7/5, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm của báo chí với xã hội thông qua phản ánh hoạt động của Quốc hội”.

Trao đổi với phóng viên hoạt động đưa tin về Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhắc lại sứ mệnh quan trọng của cơ quan lập pháp là làm luật, giám sát và quyết định chính sách. Theo đó, vấn đề là những hoạt động này của Quốc hội người dân phải hiểu được, nắm rõ những nội dung đang được sửa đổi để mỗi người cảm nhận được sự tham gia của mình vào quá trình xây dựng chính sách cũng như vào xã hội. Báo chí là cầu nối của Quốc hội với cử tri, với đời sống xã hội là vậy.

Một phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội kỳ họp cuối năm 2014.
Một phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội kỳ họp cuối năm 2014.

Nhấn mạnh về vai trò giám sát, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao, giám sát ở tầm cao nhất với công tác điều hành đất nước, cụ thể là giám sát Thủ tướng, các Bộ trưởng và hoạt động của Chính phủ. Chế tài giám sát là Quốc hội có thể khen, chê, có thể bất tín nhiệm. Một Bộ trưởng làm việc tốt, Quốc hội biểu dương, khen và nếu làm không tốt, Quốc hội có thể phê bình, nhắc nhở, cao nhất là bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông Dũng phân tích, bản chất hoạt động giám sát của Quốc hội là áp đặt chế độ trách nhiệm vì Quốc hội không thể phạt tiền hay bỏ tù ai được” nhưng lại có những công cụ để kiểm soát quyền lực hành pháp.

Có sự kiểm soát này nên khi Chính phủ làm cái gì cũng phải cân nhắc, xem làm thế Quốc hội có phản đối không, có thông qua không, như vậy giám sát rất hiệu quả. Chính vì có giám sát của Quốc hội nên Bộ trưởng phải cân nhắc chứ không phải thích gì cũng có thể hành động, áp đặt vì không khéo ra Quốc hội sẽ bị chất vấn. Việc giám sát như vậy mới hiệu quả. Và khi đó, đại biểu Quốc hội đã hành động vì lợi ích của Quốc gia, phải làm vì dân, vì cử tri.

Đánh giá khái quát về hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng hóm hỉnh: “Chính phủ rất “sợ” Quốc hội và điều đó là… rất may bởi hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội thông thường được đo chính bằng mức độ “sợ” Quốc hội của Chính phủ”.

Từ lập luận này, ông Dũng nêu quan điểm, đã là chính quyền thì phải đảm bảo hoạt động bằng hai “chân” – “chân” điều hành và “chân” giám sát mới có thể cân bằng được quyền lực. Ở cấp Trung ương, không thể có một mô hình quản trị quốc gia tốt với một Quốc hội tốt mà Chính phủ lại yếu kém và ngược lại. Tương tự, ở các cấp dưới, hoạt động của UBND phải song hành cùng HĐND. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thẳng quan điểm không tán thành việc bỏ HĐND ở cấp chính quyền cơ sở.

“Bỏ HĐND cũng như người chỉ đi bằng một chân, chỉ có UBND. Việc này tương tự việc xây dựng một ngôi nhà, một công trình mà người thiết kế đồng thời là người thi công luôn, không có ai giám sát. Khi đó, chất lượng căn nhà chắc chắn không ra gì” – ông Dũng nói.

Ông Dũng đặt giả thiết, bỏ HĐND trong tổ chức chính quyền địa phương thì ngân sách, tiền đóng góp của người dân sẽ do ai chi, chi như thế nào, ai đồng tình, ai thẩm định, có minh bạch không sẽ không? Những việc này đều sẽ không có người giám sát.

Chính quyền ở thành thị hay nông thôn, theo lập luận của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chỉ khác nhau về nhiệm vụ, còn về mô hình tổ chức, nguyên tắc chung luôn đúng là nếu không có HĐND việc điều hành sẽ thất bại. Ngay cả ở cấp phường, nơi không ban hành quyết định, không có ngân sách thì khi đó chỉ nên gọi là văn phòng cung cấp dịch vụ công. Còn bất cứ lúc nào có chuyện phải chia tiền, chuyện buộc người dân phải hành động theo quy định này, chế tài kia thì không thể thiếu hai bộ phận song hành là “hội đồng” và “ủy ban”.

P.Thảo