“Rạp” chiếu phim độc nhất vô nhị

(Dân trí) - “Mời quí vị xem phim nổi, phim cử động..., tách nhạc bằng mồm, âm thanh chạy bằng dây dù, chuyển hệ bằng dây buộc nút. Hiện rạp có đủ các loại phim chìm, phim nổi, phim giấy, phim cử động...”. Tiếng rao được cất lên từ một gốc cây trong khuôn viên của vườn thú Thủ Lệ, Hà Nội.

“Rạp chiếu phim một mình”

 

Chủ của “rạp” chiếu phim độc nhất vô nhị này là ông Nguyễn Văn Long, người làng Vạn Phúc, TP Hà Đông (Hà Tây). Gần 30 năm nay, ông rong ruổi ngược xuôi tổ chức chiếu phim. Một mình ông vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, lại kiêm luôn vai trò họa sĩ, thuyết minh, lồng tiếng... và đặc biệt hơn cả là phim chiếu chỉ cho duy nhất một người xem.

 

Quan sát  “rạp” chiếu phim của ông, chỉ thấy những cuốn phim nhỏ xíu chạy vù vù dưới tay quay của ông. Không được xem phim nhưng người chủ rạp này vẫn có thể hình dung được những cảnh phim đang diễn ra nên đã điều chỉnh tay quay lúc nhanh, lúc chậm. Bởi chính ông cũng đang nhập tâm cùng người xem phim. Máy chiếu không điện, không pin, không ăcqui, chỉ chuyển động nhờ vào đôi bàn tay nhưng lại cho những thước phim sống động. Các khán giả xem phim vẫn cười khanh khách khi xem phim hoạt hình của ông chiếu.

 

Tôi là người khán giả tiếp theo. Bắt đầu “buổi chiếu”, mắt trái của tôi được ông bịt lại bằng miếng bìa hình tròn, dây chun quấn đầu rồi đeo chiếc tai nghe được làm bằng một lon nhựa nhỏ màu trắng chụp vào tai bên phải. Dây chuyền âm thanh là một sợi dây dù cũ sờn nối tai nghe tới “trung tâm âm thanh” của “rạp” - nơi người thuyết minh sẽ nhập vai các nhân vật, tạo nên tiếng chim hót, lợn kêu, tiếng sấm sét... Toàn bộ âm thanh, tiếng động của bộ phim sẽ được phát ra từ... miệng của ông già rồi chui tọt vào chiếc lon nhựa gắn trước miệng ông, truyền qua sợi dây dù đến chiếc tai  nghe làm bằng ca nhựa và truyền tới tai tôi.

 

Xem phim ở “rạp” ông Long, tôi vừa làm khán giả lại kiêm luôn cả nhân viên của “rạp”. Sau khi đã đeo xong tai nghe, tay trái của tôi được ông dao nhiệm vụ giữ máy quay sao cho “lỗ xem phim” hướng vào mắt phải. Tiếp đó, ông già với tay lấy cuộn băng 6 ly nạp vào chiếc máy chiếu phim cổ do Liên Xô sản xuất, một tay quay cho cuộn băng quay đều đều, giọng ông già thuyết minh: “Hãng phim Mát - cơ -va xin trân trọng giới thiệu bộ phim hoạt hình Rùa và Cáo...”. Từng thước phim với những hình vẽ chuyển động, ăn khớp với lời thuyết minh, âm thanh, ánh sáng đủ cả nên rất sống động và vô cùng hấp dẫn. 5 phút sau, bộ phim kết thúc.

 

“Rạp” chiếu phim độc nhất vô nhị - 1

"Rạp" chiếu phim khiêm tốn bên một gốc cây nhưng

cũng "hoành tráng" với rất nhiều tờ quảng cáo, giới thiệu.

 

Độc đáo nhất và khiến người xem không thể quên là loại phim hình ảnh đi kèm với mùi, vị... mà ông Long gọi là “phim sờ”: khi trong phim đang chiếu hình ảnh chú bé ăn kẹo thì ngay lập tức ông đút một viên kẹo vào miệng khán giả hoặc khi trong phim có mùi rượu thì ông đưa chiếc bông tẩm rượu lên mũi họ... “Rạp chiếu” của ông lúc nào cũng lỉnh kỉnh vài ba chai nước, mấy cái đèn pin (để tạo ánh sáng, sấm chớp) và nhiều vật dụng linh tinh khác.

 

Sinh nghề, tử nghiệp

 

Năm nay 61 tuổi nhưng ông Long đã có thâm niên làm phim và chiếu phim hoạt hình tới cả 30 năm có lẻ. Ông Long bắt đầu làm phim khi còn là cậu học trò cấp 2. Ông nhớ lại: “Hồi đó sau khi xem xong một bộ phim hay đọc được một câu chuyện mới thú vị, tôi vẽ lại từng cảnh trong phim, trong truyện với từng chi tiết, nhân vật...”.

 

Năm 1959, ông làm một bộ phim đầu tiên bằng cách vẽ trên giấy pelure hình các con vật, cắt chúng ra rồi bôi dầu trơn lên và đem chiếc đèn dầu duy nhất trong nhà để làm phim đèn chiếu - loại phim khởi nguồn cho “nghiệp làm phim” của ông. Áp dụng những nguyên lý cơ bản của phim hoạt hình, ông Long đã có cả một kho phim cử động giấy tự tạo từ Tôn Ngộ Không, Võ Tòng đả hổ đến Tarzan...

 

Khi mua được chiếc máy chiếu của Nga, ông đã tổ chức chiếu phim tự tạo cho khắp dân làng trên xóm dưới. Đầu những năm 1990 ông chuyển sang sưu tầm và chiếu phim hoạt hình, phim nhựa mini. Theo thời gian, rạp chiếu phim của ông cũng ngày một “giàu có” hơn với sự hiện diện của nhiều bộ phim mới, sự ra đời của những phương thức làm phim và chiếu phim rất đơn sơ nhưng lại vô cùng quý giá

 

Trong nhà ông, tài sản quí giá nhất là ba chiếc rương sắt to và hơn 10 hộp bánh sắt nhỏ; bên trong là những chiếc máy chiếu, máy quay và những thước phim nhựa ông đã sưu tầm nhiều năm. Riêng phim nhựa 16mm, ông có trên 200 bộ phim các loại với không ít các bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: Cánh đồng hoang, Đến hẹn lại lên, Chim vành khuyên... cùng nhiều phim nổi tiếng thế giới.

 

Hai bộ phim Mối tình đầuĐến hẹn lại lên được ông dành cho cảm tình đặc biệt vì là hai bộ phim nhựa đầu tiên ông chiếu. Ông tâm sự: “Hồi ấy, mỗi ngày đi chiếu lưu động hai bộ phim này ông thu được gần 6 đồng, một số tiền là nhiều vì có thể mua được 15kg gạo theo thời giá”.

 

Trong số nhưng bộ phim đã sưu tầm có tới 50 bộ do ông tự sản xuất. Việc sản xuất phim hoạt hình để trình chiếu là cả một quá trình lao tâm khổ tứ, nhiều khi tưởng chừng như không vượt qua nổi. Ông Long phải tự viết kịch bản, tự làm đạo diễn, tự tay vẽ hình ảnh hoặc cắt dán hình ảnh từ các truyện tranh rồi dựng phim.

 

Nhưng phim làm xong mới chỉ là “phim chết”, chưa có tiếng động, âm thanh, lời thuyết minh nên nếu đem trình làng sẽ không lấy được cảm tình của khán giả. Vì thế, ông Long phải tự thuyết minh, tự tạo âm thanh, tiếng động... bằng miệng trong khi chiếu phim cho khách xem. Công việc này đòi hỏi tính nghệ thuật rất cao và cũng vất vả không kém quá trình làm phim.

 

Ông Long quan niệm: “Lồng tiếng nghĩa là không phải nói giọng nói của mình mà là nói giọng nói của nhân vật. Bộ phim sẽ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều nếu người thuyết minh biết biến nó thành một sân khấu truyền thanh, có giọng thỏ thẻ và trong trẻo của một cô gái mười tám đôi mươi, giọng thều thào của một bà lão móm mém đang ở độ tuổi xưa nay hiếm, giọng nịnh nọt của tên quan nịnh thần, có cả tiếng chim hót, tiếng lợn kêu...”.

 

Cả đời gắn bó với nghiệp phim, ông muốn lưu dữ và đem lại cho người xem những cảm giác được xem phim bằng phương tiện hết sức thô sơ cổ kính… Trong khi cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại thì ông lại một mình đi “cải lui” những dụng cụ chiếu phim của mình. Có lẽ đây chính là điều lý giải cho việc khán giả vẫn hàng ngày đến với “rạp” chiếu phim của ông.

 

Thái Bình