Rà soát toàn bộ thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên

Lãnh đạo tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari là một lời cảnh báo nghiêm túc. Tập đoàn đang rà soát lại toàn bộ các thiết kế và kiểm tra, đề xuất các biện pháp cho các hồ chứa bùn đỏ…

Thảm họa môi trường sau sự cố tràn hồ chứa bùn đỏ ở Hungari đe dọa cả Châu Âu đang là mối quan tâm của dư luận Việt Nam, đặc biệt khi hai dự án khai thác bô xít và chế biến alumina tại Tây Nguyên đang được thí điểm triển khai.

Chiều 12/10, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV - Chủ đầu tư hai dự án) nhằm nắm tình hình cũng như yêu cầu rà soát lại tổng thể thiết kế, xem xét và bổ sung các biện pháp nếu có thể, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án.

Phó Tổng giám đốc TKV Dương Văn Hòa cho biết, thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ đã được Hội đồng thẩm định do Bộ Công Thương thành lập thông qua sau nhiều lần làm việc với Viện Thủy lợi là cơ quan tư vấn.

Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn coi sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari là một lời cảnh báo nghiêm túc và không được phép lơ là. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn đang rà soát lại toàn bộ các thiết kế và kiểm tra, đề xuất các biện pháp, kể cả những biện  pháp mới, để đảm bảo hồ chứa bùn đỏ an toàn và trong trường hợp có sự cố cũng có thể hạn chế ảnh hưởng ở mức tối thiểu.
Rà soát toàn bộ thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên - 1
Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ (Ảnh có tính minh hoạ)

Tại Lâm Đồng, Tập đoàn đã lập tức bổ sung một biện pháp mới, đó là xây một cửa cống ở điểm cuối cùng phía giáp với đường tỉnh lộ 725 trước đây. Cửa cống này sẽ được đóng lại trong trường hợp hồ bị vỡ.

Ông Hòa cũng cho biết, trong khi hồ bùn đỏ của Hungari nằm ở đồng bằng và được quây bằng đập bờ cao thì hai dự án của Việt Nam nằm trong thung lũng với lòng chảo sâu 15m, được bao bọc bởi các đồi cao, độ cao của hồ thấp dưới mặt bằng nhà máy 1,5m.

Ngoài ra, hồ được chia thành 8 ngăn và đã được tính toán kỹ  cả lượng mưa đổ xuống, nên mặc dù cùng áp dụng công nghệ thải ướt giống nhau, hồ bùn đỏ của Việt Nam an toàn hơn.

Khẳng định trong trường hợp có sự cố,  có thể chặn nhốt toàn bộ bùn trong thung lũng không tràn ra ngoài, mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn, song ông Hòa cũng lưu ý tới khả năng vỡ các ngăn của hồ.

Hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang tập trung nghiên cứu kỹ sự cố hồ bùn đỏ ở Hungari, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục sự cố để rút kinh nghiệm cho thiết kế thi công các hồ tại Tây Nguyên.

Tập đoàn đã chủ động liên lạc với Đại sứ quán Hungari tại Việt Nam để có thể khảo sát hiện trường sự cố và phía bạn sẽ  bố trí cho đoàn sang tận nơi khảo sát trong thời gian thích hợp.

Hồ bùn đỏ của hai dự án bô xít ở Lâm Đồng và Đắk Nông được nhà thầu Chalco thiết kế, có sự giám sát của Viện Thiết kế Nhôm - Magie, Viện nghiên cứu đầu ngành về nhôm của Trung Quốc. Ngoài ra, chủ đầu tư còn thuê tư vấn là Viện Nghiên cứu cơ khí giám sát với sự hỗ trợ của các chuyên gia Úc, Ấn Độ.

 Theo Chinhphu.vn