Quyền kết hôn, sinh con cho phạm nhân: Cần nhân đạo với ai?

(Dân trí) - Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân là nội dung được nhận định là sự đổi mới lớn nhất được đưa vào dự thảo luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4/4…

Giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề cập trước hết về sự cần thiết đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam.

Theo Chủ nhiệm Nga, quá trình thảo luận cho thấy, nhiều ý kiến tán thành việc dự thảo luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Cũng liên quan đến quy định về quyền của các phạm nhân, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, có một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung một số quyền của phạm nhân như quyền kết hôn, quyền hiến xác, quyền hiến mô và bộ phận cơ thể người…

Quyền kết hôn, sinh con cho phạm nhân: Cần nhân đạo với ai? - 1

Một nam phạm nhân gặp vợ ở phòng hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng các quyền của phạm nhân vì đây là đối tượng phải chấp hành hình phạt, bị hạn chế quyền tự do nên không thể có các quyền như công dân bình thường.

Cơ quan giải trình, tiếp thu dự luật cho rằng, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án. Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, họ không thể được hưởng tất cả quyền con người, quyền công dân như những công dân khác đang ở ngoài xã hội.

“Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù, đồng thời khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước” - bà Nga nêu quan điểm.

Do đó, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài những quyền cơ bản đã được quy định và bảo đảm thực hiện như quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, gặp; quyền lao động, học tập, học nghề..., việc bổ sung các quyền khác đối với phạm nhân (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng…) phải có bước đi phù hợp…

Phạm nhân, giám thị bắt tay thoả thuận?

Quyền kết hôn, sinh con cho phạm nhân: Cần nhân đạo với ai? - 2

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị không quy định việc phạm nhân được ra ngoài trại làm việc

Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến tranh luận hơn hết về việc đưa phạm nhân ra ngoài trại lao động khi một số đại biểu Quốc hội lo ngại việc này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn…

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Đại biểu Mão lưu ý, việc tổ chức cho phạm nhân lao động phải được hiểu là một biện pháp giáo dục chứ không phải tạo ra cơ sở vật chất.

Ngoài ra, đại biểu của Nghệ An cũng đề nghị cân nhắc việc đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Ông nêu thực tế, hiện có tình trạng phạm nhân mang vật cấm, ma tuý vào trại… Vậy khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phải kiểm soát được việc mang vật cấm, ma tuý vào trại như thế nào? Liệu các cơ sở cơ sơ sản xuất có trang bị được các phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chuyện này không?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại lập luận, mục đích số một của hình phạt là để trừng trị, sau nữa là giáo dục cải tạo, cải tạo thông qua lao động.

“Dư luận người ta đang nói, người gây án luôn muốn tích cóp, cộng lại tất cả những điểm có lợi để được giảm nhẹ trách nhiệm, từ lúc bị bắt giam đến khi thi hành án. Với nạn nhân thì mọi tính toán bồi thường đều… keo kiệt, cộng vào với nỗi đau của họ. Như vậy là nhà nước nhân đạo với ai? Thử nhìn ra xung quanh, xã hội đang bị đe dọa rất trầm trọng, từ trẻ em đến phụ nữ. Trong thời gian ngắn vừa qua, biết bao thứ đau đớn mà cả xã hội phải chịu đựng” - ông Nhưỡng kêu gọi cần thể hiện thái độ rõ ràng đối với tội phạm.

Ông Nhưỡng đề nghị bỏ điều khoản trong dự thảo cho phép trại giam được phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam vì đây là mô hình có thể dẫn đến nhiều rủi ro, chưa lường được hết tất cả phức tạp.

“Chúng ta nói là cần được sự thỏa thuận, đồng ý của phạm nhân?... Tôi là giám thị, tôi yêu cầu phạm nhân đi làm, tôi bảo ông ký vào đây, ông đồng ý đi chứ làm gì có chuyện phạm nhân thỏa thuận với giám thị. Chúng ta chỉ nên tổ chức cải tạo cho phạm nhân trong phạm vi của trại giam và trại tạm giam, tận dụng tất cả nguồn lực sẵn có. Nếu cần thiết, Nhà nước và ngành công an hỗ trợ làm sao để chúng ta tạo được môi trường lao động trong phạm vi để phạm nhân biết họ đang chấp hành án, đang là người đi tù” - ông Nhưỡng kết luận.

Quyền kết hôn, sinh con cho phạm nhân: Cần nhân đạo với ai? - 3

Tranh luận lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Uỷ viên UB Quốc phòng – An ninh cho rằng, quyền và nghĩa vụ lao động của phạm nhân được hiến pháp quy định. Trách nhiệm của Nhà nước là phải tổ chức và bảo đảm cho phạm nhân được thực hiện quyền này.

“Chúng tôi tiếp xúc với một số phạm nhân, hầu hết trong số họ đều mong muốn Quốc hội thông qua chính sách này” - ông Hồng đề nghị UB Tư pháp, Chính phủ có đánh giá tác động, xem phạm nhân nói gì về vấn đề này.

Ông cũng khẳng định, tiếp xúc với nhiều cán bộ quản giáo, cán bộ dẫn giải phạm nhân thì thấy tâm lý chung của cán bộ là khá lo lắng bởi nếu dẫn phạm nhân ra ngoài lao động, lỡ phạm nhân trốn thì anh em phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc.

Từ diễn biến đó, ông Hồng bày tỏ sự “yên tâm và tin tưởng vào trách nhiệm của anh em”.

P.Thảo