Quy tắc 5K xây dựng đã lâu, làm thì "ngộp thở", không làm thì... cũng dở!

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Trước chia sẻ của cán bộ nhà nước về việc quy định 5K đang mang tính hình thức, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, cần sớm sửa đổi để tránh rơi vào cảnh "nói một đằng làm một nẻo".

Thời gian vừa qua, trong bối cảnh tất cả các hoạt động, dịch vụ được phép hoạt động bình thường trở lại, rất khó để bắt gặp hình ảnh việc các cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) trong phòng, chống dịch.

Quy tắc 5K xây dựng đã lâu, làm thì ngộp thở, không làm thì... cũng dở! - 1

Hình ảnh "biển người" đổ về đất Tổ dâng hương các vua Hùng trong dịp lễ vừa qua (Ảnh: Mạnh Quân).

Áp dụng 5K chỉ còn mang tính hình thức

Kể từ lúc Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng sau 21h hàng ngày cho đến thời điểm hiện tại, chị Lê Lan (chủ một nhà hàng bán đồ ăn uống trên địa bàn ở quận Hoàn Kiếm) cho biết vẫn thường xuyên nghe những lời tuyên truyền từ cơ quan chức năng thực hiện quy định 5K để phòng chống dịch. Tuy nhiên, chị thấy rằng, việc hậu kiểm, giám sát các quy định này thì không còn được các cơ quan chức năng thực hiện triệt để, nghiêm ngặt như giai đoạn trước.

"Riêng việc quét mã QR thì bỏ hẳn rồi. Thậm chí nhiều khách du lịch đến quán ăn uống còn thắc mắc rằng, trước khi sang Việt Nam, họ đã tìm hiểu và cài đặt các ứng dụng. Tuy nhiên, khi sang đây, họ thấy từ sân bay, hàng quán… khắp mọi nơi đều không yêu cầu quét mã QR. Điều này khiến họ rất ngạc nhiên" - chị Lan thông tin thêm.

Chia sẻ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, một vị lãnh đạo UBND quận nội thành Hà Nội (đề nghị giấu tên) thừa nhận, việc kiểm soát triệt để 5K trong các hoạt động, lĩnh vực ở thời điểm hiện tại chỉ còn mang tính hình thức, đặc biệt là không làm thì "cũng dở" mà làm thì không đem lại hiệu quả.

Vị lãnh đạo này cho rằng, quy định 5K đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Cụ thể, hiện cơ quan chức năng không thực hiện truy vết F1, F2, người liên quan… nên việc quét mã QR là không cần thiết và bỏ hẳn. Về quy định khoảng cách thì "vừa cần, vừa không cần", tùy từng hoạt động, lĩnh vực.

"Trong giai đoạn này, có lẽ chúng ta nên tập trung vào khẩu trang và khử khuẩn thì vừa đảm bảo hiệu quả, vừa phù hợp với công tác phòng, chống dịch mà lại tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền. Còn cái gì chỉ mang tính hình thức thì sẽ phản tác dụng" - vị này cho hay.

Quy tắc 5K xây dựng đã lâu, làm thì ngộp thở, không làm thì... cũng dở! - 2

Nhiều cán bộ, lãnh đạo UBND quận nội thành Hà Nội thừa nhận, việc kiểm soát 5K trong các hoạt động, lĩnh vực ở thời điểm hiện tại chỉ còn mang tính hình thức (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Một cán bộ UBND quận khác bày tỏ, nếu không có sự thay đổi đối với khuyến cáo 5K cho phù hợp với thực tiễn thì dễ dẫn đến hệ lụy "nhờn thuốc"; mất đi sự uy nghiêm của các quy định.

"Đã đưa ra quy định thì phải chuẩn và bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc. Còn ban hành quy định mà không chuẩn nhưng vẫn bắt buộc thực hiện thì giáo điều quá" - vị này nhìn nhận.

Trước những "tâm tư" nêu trên, bác sĩ Trần Văn Phúc (đang công tác ở Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, 5K đã được xây dựng quá lâu và ở thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp.

Theo bác sĩ Phúc, về mặt dịch tễ học, quy tắc 5K là biện pháp phòng, chống dịch mang tính cộng đồng. Do vậy, khi tất cả mọi hoạt động của xã hội đã gần như trở lại bình thường, virus cũng đã thay đổi thì việc áp tất cả các biện pháp y tế công cộng xưa cho thời điểm hiện tại thì sẽ không phù hợp.

"Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì sẽ rơi vào chủ nghĩa nói một đằng làm một nẻo. Khi đó, việc bắt lỗi một cá nhân, một tập thể, một cơ quan rất dễ nhưng ngược lại để thực hiện nó lại vô cùng khó" - ông Phúc cho hay.

Nên thay đổi thế nào?

Trước đó, từ hồi đầu tháng 3 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đề nghị cơ quan chức năng xem lại các quy định phòng, chống dịch sát tình hình bình thường mới, bởi một số điểm của 5K hiện nay không còn phù hợp nữa.

"Đeo khẩu trang, sát khuẩn thì người dân tương đối quen nên làm được nhưng khoảng cách thì bất ổn rồi. Quy định không tập trung cũng không còn phù hợp nữa nhưng cứ bảo tuân thủ 5K mà không sửa lại cho phù hợp, người dân không thực hiện được quy định vì không sát tình hình thực tế" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Đến đầu tháng 4, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng thừa nhận, trong bối cảnh mới, một số quy định phòng, chống dịch đã không còn phù hợp thực tiễn và Sở này đã báo cáo UBND kiến nghị Bộ Y tế để sửa đổi một số quy định. Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn đang đợi văn bản chính thức của Bộ Y tế.

Quy tắc 5K xây dựng đã lâu, làm thì ngộp thở, không làm thì... cũng dở! - 3

Bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, việc học sinh đi học trực tiếp nhưng khẩu trang vẫn thường trực trên khuôn mặt không phải là môi trường tương tác giáo dục và sẽ để lại hậu quả rất nặng nề (Ảnh: Mạnh Quân).

Nêu quan điểm về việc nên thay đổi thế nào cho phù hợp, bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết, với đặc điểm của virus hiện tại, thay vì áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng (5K) thì xu hướng sẽ là cá nhân hóa, cá thể hóa các biện pháp phòng dịch.

"Nhìn rộng ra trên thế giới, không phải lúc nào người dân cũng đeo khẩu trang như trước đây. Họ chỉ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi vào các nơi có nguy cơ cao, khi tiếp xúc với người có nguy cơ cao như nhân viên y tế… Trong khi đó, ở Việt Nam, dù trời nắng chang chang vẫn thấy đeo khẩu trang. Điều này làm tốn nguồn lực một cách không cần thiết; người luôn luôn đeo khẩu trang sẽ tự thở ra rồi lại hít vào lượng khí C02 của mình" - bác sĩ Phúc cho hay.

Dẫn chứng thêm về việc đeo khẩu trang đối với học sinh, ông Phúc cho rằng, việc này đang trở thành vô nghĩa và ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Bởi lẽ, dù trong quá trình học, học sinh đeo khẩu trang nhưng khi ăn bán trú, các em vẫn tiếp xúc trực tiếp với nhau và bỏ khẩu trang. Bên cạnh đó, khi học trực tiếp, tiếng nói tại trường lớp qua chiếc khẩu trang còn bị bóp méo.

"Sự tương tác đó không phải là môi trường tương tác giáo dục, sẽ để lại hậu quả rất nặng nề" - ông Phúc nhận định. Trong khi đó, gần một năm trời học trực tuyến, thầy cô giáo và học sinh chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính, điện thoại, không hề biết diện mạo thực tế thế nào.

Vì vậy, bác sĩ Phúc cho rằng, nên thay đổi toàn bộ 5K thay vì chỉ "bớt đi vài quy tắc" và Bộ Y tế cần sớm đưa ra các bộ quy tắc ứng xử, các quy ước, quy định phòng, chống nhiễm khuẩn đối với từng lĩnh vực, môi trường cụ thể, gồm: trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp, cá nhân…

"Tôi cho rằng nên có sự thay đổi càng sớm càng tốt. Một quy định đưa ra có tính pháp lý mà không được các cá nhân, chủ thể liên quan thực hiện nghiêm túc thì trong xã hội đó, con người bỗng trở thành không tôn trọng lẫn nhau, rất dễ bầy hầy và xuề xòa với nhau" - bác sĩ Phúc bày tỏ.

Trước đó, hồi tháng 8/2020, Bộ Y tế ban hành thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo Y tế). Đến nay, nhiều địa phương vẫn đưa thông điệp này vào các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch.