1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quy hoạch kém, tốn…14 triệu USD cho 1km đường

(Dân trí) - “Qui hoạch kém quá” - đại biểu Nguyễn Đăng Vang, đoàn Bình Định khẳng định như vậy và đưa ra những con số “giật mình”: “Ngay tại Hà Nội, đoạn đường Liễu Giai nối dài đến Đội Cấn chưa đến 1km, chi phí khoảng 90 tỷ đồng, đắt gấp 5 lần so với trung bình của thế giới”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra là “tiền đền bù giải phóng mặt bằng so tiền làm đường rất cao do hậu quả của việc quy hoạch thiếu tính đồng bộ”. Đại biểu Vang tiếp tục trích dẫn một số ví dụ điển hình về hậu quả của qui hoạch kém “kinh phí xây dựng đường từ Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến đến Nguyễn Trãi chỉ dài 6,3 km thì cần tới 1300 tỷ đồng, tức 1 km hết 218 tỷ (xấp xỉ 14 triệu USD/1km). Trong khi  trên thế giới trung bình đường cao tốc chỉ có 1-1,5 triệu USD/1km. 

 

Gần đây đoạn đường từ khu vực Trung Tự đến Ô Chợ Dừa dài 1.082 m dự kiến đền bù và thi công mất trên 750 tỷ đồng, tức là khoảng trên 40 triệu USD/1km”, đại biểu Vang khẳng định: “Rõ ràng chúng ta thấy bất ngờ về những lãng phí do thiếu quy hoạch”.

 

Đại biểu Trần Kim Luân, Phú Yên tán đồng quan điểm này và chia sẻ: “Một trong những yếu kém nổi bật đang chung sống hàng ngày, với chúng ta là những bất cập trong công tác qui hoạch”. Chính từ những quy hoạch yếu kém không dựa trên một tư duy triết lý, phù hợp đã gây lãng phí to lớn và hậu quả của qui hoạch yếu kém hôm nay, sẽ phát tác rất nặng nề trong tương lai.

 

Giải bài toán đầu tư

 

Đại biểu Lê Quốc Dung, Hải Phòng, cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của ta còn thấp so với khả năng thực tế. Đặc biệt là năng suất lao động của nước ta thấp hơn so với ngay cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi năng suất lao động của ta là 1 thì ở Indonexia là 1,24; Philippin là 2,68 và Thái Lan là 6,75.

 

Ông cũng cho biết: Nếu ICOR năm 2004 là 4,7/1 (4,7 đồng vốn tạo ra 1 đồng lời), thì năm 2005 là 5/1 (5 đồng vốn mới sinh ra một đồng lời). Ông khẳng định “đây là những con số chất lượng chưa tốt”.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), cho biết, từ 1994 đến nay, đóng góp vốn vào phát triển GDP luôn cao hơn năng suất lao động. Trong khi góp vốn liên tục tăng từ 35%- 70% thì năng suất lao động lại giảm từ 55% xuống còn 22% ( tính từ 1992- 1999).

 

Ngoài ra, chi phí sản xuất cao, nhiều sản phẩm hàng hoá có lãi thấp nên việc xuất khẩu chỉ tương đương như việc đổi nội tệ lấy ngoại tệ mà  thôi, lãi mang lại không nhiều.

 

Bên cạnh đó, tính ỷ lại kinh doanh bằng vốn Nhà nước, dựa vào lợi thế Nhà nước còn rất nặng nề. Đại biểu Dung khẳng định: “nhiều DNNN lừng chừng, lạm dụng trong quá trình chuyển đổi cổ phần hoá. Vì thế, việc chuyển đổi doanh nghiệp số lượng thì nhiều, nhưng vốn của Nhà nước thì giảm  mới được khoảng 9%”.

 

Ông lấy ví dụ: “Một ngành có 24 Viện nghiên cứu khoa học nhưng khi sắp xếp thì chỉ có 1 Viện  đồng tình trực thuộc Tổng công ty kinh doanh, còn 23 Viện kia đề nghị trực thuộc Bộ, có nghĩa là vẫn ở luôn với cơ chế hành chính”.

 

Phải xem xét lại, nếu không ta mãi là nước thụt lùi

 

Đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) chỉ ra chỉ tiêu tăng trưởng 8% như dự kiến là thấp. Ông cho rằng: “Hiện chúng ta vẫn là quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp (dưới 650USD theo chuẩn thế giới), chúng ta đưa ra chỉ tiêu thu nhập 1000USD vào năm 2010 chưa biết chừng lúc đó chuẩn thế giới lại cao hơn”. Và ông Chính cảnh báo: “Nếu chúng ta không phấn đấu đạt mức tăng trưởng nhảy vọt thì sẽ mãi là nước thụt lùi”.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng, đoàn Đăk Nông thì yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân tăng giá vì những nước xung quanh ta cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu, cúm gà… mà lại bị ảnh hưởng rất ít.

 

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An  Giang) thì phát hiện ra rằng, báo cáo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm không thống nhất. Năm 2002 nói tăng 7,04 thì nay nói là 7,06; năm 2004 nói 7,69 thì nay lại báo cáo là 7,79…

 

Ông cũng cung cấp thông tin: “Nhập siêu của ta liên tục tăng, năm 2000 nhập siêu 1,1 tỷ USD, năm  2002 trên 3 tỷ và 2005 là 6,5 tỷ”. Nói nhập siêu là nói đến chảy máy ngoại tệ và ông kiến nghị “Bộ Thương mại phải cho biết chúng ta nhập gì, nhập để làm gì, nhập để phục vụ gì… và phải có biện pháp giảm dần nhập siêu”.

                                                                                               

Đức Hoà - Hồng Hạnh