Quỹ bảo hiểm: Tỷ lệ tăng chi gấp nhiều lần tăng thu(!)

(Dân trí) - Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho thấy, tổng thu quỹ trong 1 năm tăng 3,7% trong khi tỷ lệ chi bảo hiểm bắt buộc tăng 25,3% và chi bảo hiểm tự nguyện tăng tới 77,4%... Dự báo cân bằng thu chi quỹ sẽ đến giới hạn vào 2023, bội chi xảy ra từ 2037…

Cụ thể, báo cáo kiểm toán nêu rõ, tính đến 31/12/2013, tổng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc là gần 106.000 tỷ đồng, bằng 103,7% so với dự toán. Tổng thu bảo hiểm tự nguyện là 556 tỷ đồng, bằng 113,% so với dự toán (số người mua bảo hiểm tự nguyện tăng 25%).

Tuy nhiên, việc tăng thu cũng đi liền với vấn đề tăng chi quỹ. Số chi trong cùng thời kỳ của quỹ là gần 76.000 tỷ đồng. Trong đó, số chi bảo hiểm bắt buộc tăng 25,3% so với năm trước đó và số chi bảo hiểm tự nguyện tăng 77,4%. Tính riêng phần chi bảo hiểm xã hội hàng tháng (lương hưu), mức tăng là 10%.
Quỹ bảo hiểm: Tỷ lệ tăng chi gấp nhiều lần tăng thu (!)

Với tình hình thu – chi quỹ như vậy, Kiểm toán nhà nước đặt giả thiết dự kiến mức lương tối thiểu tăng 16% đến 2015, tăng 10% trong giai đoạn 2016-2025, tăng 7%/năm từ 2026 trở đi; với tỷ lệ tăng mức đóng 2% mỗi 2 năm; với tỷ lệ lạm phát theo kiểm soát, với mức tuổi thọ bình quân là 73 tuổi… thì quỹ bảo hiểm tự nguyện sẽ đạt cân bằng thu chi vào 2041, bắt đầu bội chi từ 2053.

Quỹ hưu trí và tử tuất, khả năng mất cân bằng đến sớm hơn, chỉ đến 2023 là thu bằng chi và 2037 chi sẽ vượt thu.

Chỉ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau thai sản do mức chi hàng năm thấp nên đến 2050 quỹ vẫn có kết dư.

Quỹ bảo hiểm thất nhiệp thì chỉ 5 năm nữa, thu bằng chi, từ 2021 sẽ mất cân đối thu chi trong năm nhưng quỹ vấn tồn tại được đến năm 2050.

Về tình hình quản lý, đầu tư các quỹ bảo hiểm, Kiểm toán nhà nước cho biết, nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hiện tại rất lớn, tăng cao sau mỗi năm: thời điểm kết thúc 2010 là 141.000 tỷ đồng; 2011 là trên 180.00 tỷ đồng; 2012 là xấp xỉ 240.000 tỷ đồng và 2013 là 304.000 tỷ đồng (chưa tính các quỹ dự phòng; thu trước bảo hiểm y tế cho năm sau trên 5.600 tỷ đồng; các nguồn quỹ khác: 487 tỷ đồng;...).

Các quỹ bảo hiểm đều có kết dư và hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng khá cao. Cụ thể, nguồn quỹ nhàn rỗi năm 2013 tăng 26,7% so với năm 2012, lãi thu được từ đầu tư quỹ năm năm 2013 tăng 16% so với năm 2012 và tăng quỹ từ lãi đầu tư năm 2013 tăng 17,5% so với năm 2012.

Hiệu quả đầu tư các quỹ bảo hiểm tính bằng tổng số lãi đầu tư quỹ thu được là 22.000 tỷ đồng, đạt 114,3% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, tăng 16,2% so với năm 2012. Tỷ lệ lãi đầu tư quỹ bình quân là 9,36%/năm. Ngoài ra, thu lãi tiền gửi không kỳ hạn và thu lãi khác là 202,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, đến 31/12/2013, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện một số khoản cho vạy bị quá hạn gốc và lãi, như vụ Cty cho thuê tài chính – Ngân hàng NN&PTNT (ALCII) vay quá hạn 41 tỷ đồng, quá hạn gốc 774 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cũng nêu kiến nghị với các cơ quan liên quan giải quyết chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp đúng chế độ quy định. tránh tình trạng giải quyết cho hưởng, dừng hưởng... không đúng chế độ xảy ra phổ biến tại hầu hết các tỉnh, thành phố như hiện nay.

Kiểm toán Nhá nước cũng đề nghị Bộ LĐ,TB&XH có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường hợp giả mạo hợp đồng có việc làm mới để chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng sang bảo hiểm thất nghiệp một lần.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về điều kiện hưởng, chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp như khi người lao động có việc làm mới thì thôi không cho hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần.

P.Thảo