Quốc hội “bác” đề xuất nâng tuổi trẻ em đến dưới 18

(Dân trí) - Sáng 5/4, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em với quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, đề xuất nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi như trong Dự thảo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) chính thức bị bác bỏ.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trẻ em (tên cũ Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em) trình Quốc hội biểu quyết thông qua cho biết, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về hai phương án, trong đó phương án 1 “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2 “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Kết quả lấy phiếu cho thấy có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số ĐBQH.

Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành.

Quốc hội thống nhất giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi
Quốc hội thống nhất giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư tại Điều 21 của dự thảo Luật vì quyền này sẽ khiến cho cha mẹ nếu muốn giám sát, kiểm tra con sẽ là phạm luật trong khi trẻ em chưa chín chắn và chưa đầy đủ về nhận thức, có thể bị lôi kéo vào những xu hướng xấu.

Có ý kiến băn khoăn về quy định trẻ em có quyền tự do kết bạn tại Điều 34 sẽ gây khó cho người làm cha, mẹ trong việc quan tâm đến mối quan hệ xã hội của con.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại Điều 21 gắn với yêu cầu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại điểm b, c khoản 1 Điều 100 của dự thảo Luật; đồng thời bỏ cụm từ “kết bạn” tại Điều 34 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc trẻ em có quyền được cha mẹ giám sát tại nhà để tránh việc tạm giữ, tạm giam; được cha mẹ đi cùng đến trụ sở điều tra nếu bị bắt vào ban đêm; được cha mẹ hỗ trợ khi cung cấp thông tin mô tả hành vi đã chứng kiến liên quan đến vụ việc; có quyền được cha mẹ có mặt trong suốt quá trình lấy cung, lời khai, khám người, được cha mẹ hỗ trợ đưa ra các đồ dùng, chứng cứ liên quan đến vụ việc.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “người dưới 18 tuổi bị tạm giữ, tạm giam trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng và phải thông báo cho người đại diện của họ biết”.

Việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi phạm tội phải có mặt người đại diện cũng đã được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 421 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Quang Phong