1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quê hương là vĩnh hằng, còn quá khứ đã là lịch sử”

“Đất nước là của mình, dân tộc là của mình, chúng ta phải làm sao chung sức, chung lòng vì một Việt Nam giàu mạnh, trên cơ sở điểm chung dân tộc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ suy tư với kiều bào ở Houston, Texas và California sáng 26/6 (giờ VN).

Kéo dài gần 4 tiếng tới hơn 23h, cuộc gặp là cuộc trao đổi thân tình giữa nhà lãnh đạo Việt Nam và người Việt Nam ở Hoa Kỳ vẫn đau đáu với quê hương. Những trăn trở về tình hình đất nước, những sẻ chia về chuyến thăm, những câu hỏi về chính sách, chủ trương của Nhà nước, và những lời ủy thác, mong mỏi và cả sáng kiến hiến kế của kiều bào... đã được lắng nghe, chia sẻ, và phản hồi ngay lập tức.

 

“Tại Mỹ, đôi khi Tổng thống cũng gặp gỡ người dân, nhưng người dân phải trả rất nhiều tiền để được tham dự và nghe Tổng thống nói chuyện, bắt tay Tổng thống. Trong khi đó, Thủ tướng đã chủ động mời chúng tôi đến đây, đãi tiệc, thông báo tình hình, chia sẻ các suy tư của mình về đất nước”, một Việt kiều xúc động nói.

 

Đại diện kiều bào, có người rời Việt Nam đã gần 40 năm, chưa từng trở về, có người đã sớm trở về góp vào sự phát triển và đổi mới trong nước, cũng có những người sinh ra sau chiến tranh, trong lòng nước Mỹ, không nói rành tiếng Việt, nhưng cùng chia sẻ mối quan tâm tới Việt Nam.

 

Vì hai chữ “Việt Nam”

 

“Vì nhiều lí do, chúng tôi sang Texas định cư, làm ăn, nhưng vì hai chữ Việt Nam, chúng tôi không ngừng cố gắng, khẳng định. Dòng máu Việt Nam vẫn tiếp tục chảy rất mạnh ở vùng đất này”, ông Vũ Văn Lê, Việt kiều Texas nói.

 

Ông Lê tâm sự: “Tiếng Việt ở đây được trân trọng. Texas gần như là nơi duy nhất mà những vị anh hùng lịch sử như Quang Trung được thành phố và người Mỹ công nhận. Chúng tôi là nhóm gốc châu Á đầu tiên có đại diện trong Quốc hội Mỹ và không bao lâu nữa sẽ đại diện Việt Nam ở Texas, sẽ có mặt trong chính quyền liên bang của Hoa Kỳ”.

 

Theo ông Lê, về chuyên môn, lĩnh vực nào cũng có người Việt Nam và đều ở vị trí cao. Xuất phát từ người nông dân sang đây là chủ yếu, đến nay, gia đình nào cũng có kỹ sư, bác sỹ.

 

Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ niềm tự hào về đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài: “Khi mua vệ tinh hay máy bay Boeing, chúng tôi đều gặp các kỹ sư Việt Nam làm việc với tư cách những chuyên gia hàng đầu ở các tập đoàn lớn này”.

 

David Trung Dương, người vừa đáp máy bay về Texas tối qua sau khi làm việc tại Việt Nam về một dự án xử lý rác thải trị giá 100 triệu USD của Mỹ, phát biểu: “Tôi thấy đất nước đã cởi mở nhiều. Sau những năm đó, tôi đã trở về nhiều lần. Tôi đã tiếp đoàn đầu tiên của Việt Nam sang California từ năm 1994. Giai đoạn ban đầu có nhiều khó khăn, nhưng việc gì cần làm thì mình phải làm, vì đồng bào”.

 

“Một tiếng nói ủng hộ cũng là đóng góp”

 

Sau những chia sẻ của đại diện kiều bào, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đáp lời: “Trong lịch sử, nhờ tình đoàn kết dân tộc, chúng ta đã đã chống thiên tai, mở mang bờ cõi và chống ngoại xâm. Quá trình xây dựng đất nước hiện nay cũng đòi hỏi đại đoàn kết dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì thế, chúng ta hãy cùng gác lại quá khứ, nhìn vào mục tiêu chung này để chung sức xây dựng đất nước”.

 

Khẳng định kiều bào là bộ phận máu thịt không thể tách rời, Thủ tướng nói: “Điều mong muốn lớn nhất của tôi là bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau ở xứ người, làm ăn sinh sống, cho con cái học hành, hội nhập xã hội sở tại, đóng góp xây dựng đất nước sở tại và là cầu nối góp phần cho quan hệ hai nước phát triển”. 

 

Người đứng đầu Chính phủ mong bà con kiều bào giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà trước hết là giữ gìn tiếng nói. “Bà con hãy hướng về quê hương, bằng mọi đường, mọi nẻo. Quê hương là vĩnh hằng, trong khi quá khứ đã là lịch sử, cần gác lại”, Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng trăn trở: “Đất nước đã trải qua nhiều đau thương. Nếu không có ngoại bang, làm sao lại có sự chia cắt bên này, bên kia? Làm sao 3,2 triệu người Việt Nam phải sống ly hương ở nước ngoài? Nguyên nhân ra đi có nhiều, nhưng lớn nhất chính là chiến tranh loạn lạc”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi gắm ở kiều bào: “Làm được cái gì, dù nhỏ nhoi thì làm, một tiếng nói ủng hộ cũng là đóng góp. Đừng mặc cảm mãi với quá khứ, nhất là khi đất nước còn không ít khó khăn”.

 

Có mặt tại cuộc gặp, cựu Thủ tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ nói: “Tôi nghĩ Thủ tướng có thể yên tâm. Ngay cả một Việt kiều trẻ không biết gì về quá khứ, chỉ trong 1h đồng hồ nghe Thủ tướng nói, họ đã hiểu. Tôi ở đây không chỉ với tư cách người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, mà gần như là một người Việt Nam ở trong nước sang để gặp Thủ tướng, nghe ông Thủ tướng nói những ưu tư của dân tộc ở trong nước. Nghe xong, chính tôi cũng thấy an lòng”.

 

Mong muốn cống hiến

 

David Trung Dương bày tỏ: “Có không ít kiều bào ở đây chỉ có số vốn rất nhỏ, không biết làm sao đáp lại lời kêu gọi đầu tư của trong nước. Tại sao Chính phủ không lập những chương trình về giáo dục, xã hội, y tế, môi trường, những việc giúp thiết thực cho người dân? Chính phủ cổ phần hóa các chương trình đó để kiều bào tham gia, tạo cơ hội cho họ”.

 

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ trao cơ hội cho kiều bào “chứng minh cho cộng đồng người Mỹ, người Mỹ gốc Việt về những thành quả đầu tư ở Việt Nam, như một lời kêu gọi: Việt Nam - đất lành chim đậu”.

 

Ông Nguyễn Cao Kỳ tin tưởng “Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ trí tuệ để chèo chống và đưa đất nước tiến lên”.

 

“Với chuyến đi của Thủ tướng, Việt Nam là một nước nhỏ mà lại có quan hệ giao hảo tốt đẹp với một cường quốc số 1 thế giới, tôi cho là đi đúng đường và rất tốt đẹp. Tôi tin các nhà lãnh đạo Việt Nam có đủ sức khỏe, trí tuệ, sự sáng suốt để lãnh đạo đất nước, dân tộc tới một chỗ đứng xứng đáng ở cộng đồng quốc tế”.

 

Theo Phương Loan

VietNamnet