1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quay lưng với thân phận con người, báo chí sẽ không còn độc giả”

(Dân trí) - “Báo chí phản ảnh nhiều vấn đề về đời sống xã hội, trong đó lấy con người làm trung tâm. Nếu như báo chí quay lưng lại với thân phận của con người, đồng nghĩa với việc báo chí không còn độc giả…”.

Đó là 1 trong những nội dung phát biểu của ông Lưu Đình Phúc – Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) - tại Hội thảo “Trách nhiệm xã hội và Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức diễn ra vào sáng nay (10/6) tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Quang cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên Giáo Trung ương); một số Tổng biên tập, Phó tổng biên tập của các cơ quan báo chí.

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Lưu Đình Phúc đưa ra các dẫn chứng về một số bài báo, tác giả vì nhiều lý do khác nhau đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo, làm ảnh hưởng đến một số cá nhân và tập thể trong xã hội. Từ đó, đã ảnh hưởng và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với đội ngũ những người làm báo chân chính khác.

Ông Phúc cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức của người dân truy cập và sử dụng thông tin. Chỉ trong thời gian ngắn với nền tảng của kỹ thuật, báo chí Việt Nam đã kịp thay đổi với 1.516 trang tin điện tử tổng hợp, gần 400 mạng xã hội; ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho nhà báo. Nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đạo đức nghề nghiệp, những vấn đề về hành nghề, báo chí trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; tôn trọng bí mật đời tư và quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Ông Lưu Đình Phúc (đứng) đang phát biểu tại Hội thảo

Ông Lưu Đình Phúc (đứng) đang phát biểu tại Hội thảo

“Một bài báo đưa thông tin về một nghi phạm, mà người đọc lầm tưởng người đó là tội phạm, trong khi đó lại không có bằng chứng cụ thể, điều này là rất nguy hiểm. Báo chí phản ảnh nhiều vấn đề về đời sống xã hội, trong đó lấy con người làm trung tâm. Nếu như báo chí quay lưng lại với thân phận của con người, thì đồng nghĩa với việc báo chí không còn độc giả” – ông Lưu Đình Phúc nhận định.

Nhà báo Hữu Thọ (hàng đầu, bìa trái) phát biểu tại hội thảo...

Nhà báo Hữu Thọ (hàng đầu, bìa trái) phát biểu tại hội thảo...

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Hữu Thọ cũng đưa ra quan điểm: Hiện nay 1 bộ phận không nhỏ người làm báo xa rời trách nhiệm xã hội của mình, xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp. Thực trạng này theo ông có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần xuất phát từ vấn đề “cơm áo gạo tiền”. Về vấn đề giữa cái nhanh và cái trung thực trong thời đại làm báo hiện nay, nhà báo Hữu Thọ cho rằng bất cứ lúc nào, cũng phải đưa yếu tố trung thực về mặt thông tin lên hàng đầu.

“Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một số nhà báo cứ chạy đua theo thông tin trên mạng, đang bị thông tin mạng dẫn dắt. Thông tin trên mạng thì thật – giả lẫn lộn, mà giả thường chiếm phần nhiều. Thông tin mạng nó ẩn danh, nó không chịu trách nhiệm nào hết. Có nhà báo lại lấy thông tin đó làm tư liệu là hết sức nguy hiểm, chúng ta không coi những thông tin đó là tư liệu báo chí được; chỉ coi đó là chủ đề tham khảo để chúng ta tiếp tục nghiên cứu tiếp. Sự giảm sút uy tín của người làm báo như hiện nay, đòi hỏi mỗi phóng viên, nhà báo, biên tập viên cần tự rèn luyện bản thân về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp; các tổng biên tập thường xuyên nhắc nhở, giám sát đội ngũ phóng viên của mình thực hiện nghiêm chỉnh qui tắc đạo đức báo chí…” – nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại Hội thảo.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lưu Đình Phúc đưa ra 1 số giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh những vấn đề nêu trên trong hoạt động báo chí, đó là: Bên cạnh việc xử lý chung bằng pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, cần tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo và đạo tạo lại, để nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh để thực hiện các qui phạm về đạo đức nghề báo.

Hoàn thiện các qui tắc đạo đức nghề báo của người làm báo Việt Nam theo hướng chi tiết cụ thể; trên cơ sở đó các Hội Nhà báo của các tỉnh thành, các cơ quan báo chí xây dựng cho mình bộ qui tắc nghề báo.

Các tổng biên tập, phó tổng biên tập, phụ trách các bộ phận trong tòa soạn cần phát huy tính gương mẫu trong việc thực hiện qui tắc đạo đức nghề báo; Mọi phóng viên khi tuyển dụng vào cơ quan báo chí, đều phải được bồi dưỡng, đào tạo lại kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Hội nhà báo các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò chức năng nhiệm vụ của mình, không chỉ trong việc bảo vệ quyền lợi của hội viên, mà còn quan tâm tới dư luận xã hội, phản đối các hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo; Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, thường xuyên nhắc nhở cơ quan báo chí trong việc giám sát nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí để tăng cường tính răn đe của pháp luật…

Nguyễn Dương