1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị: Ngút xanh những khu rừng thiêng của đồng bào Vân Kiều

(Dân trí) - Khi người dân biết xem rừng là “lá phổi xanh”, biết ý thức và thấm thía lời răn dạy của các bậc tiền nhân “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, họ đã một lòng một dạ chung tay giữ rừng.

Nhưng để giữ được hàng trăm cây gỗ quý, có tuổi thọ trăm năm là một quá trình khá gian lao, vất vả. Nếu đời sống còn khó khăn, người dân chưa thật sự ý thức việc bảo vệ, không hiểu được những giá trị của rừng mang đến thì thật khó đảm bảo cho những cánh rừng nguyên sinh tồn tại.

Quảng Trị: Ngút xanh những khu rừng thiêng của đồng bào Vân Kiều
Những cánh rừng nguyên sinh tồn tại hàng trăm năm nay che chở cho bản làng Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn

Bản làng chung tay giữ rừng 

Trong chuyến công tác tại huyện vùng cao Hướng Hóa, người viết đã bị cuốn hút bởi câu chuyện về kỳ tích giữ rừng của bà con Vân Kiều ở bản Cheng, Mã Lai (xã Hướng Phùng) – một địa phương nằm trên miền biên viễn tỉnh Quảng Trị.

Với giọng điệu kể đầy tự hào, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, ông Thái Văn Vang nói: “Rừng ở bản Cheng, Mã Lai được xem là “lá phổi xanh” của cả xã. Người dân các bản này giữ rừng nghiêm ngặt lắm, việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng nhất, được đưa vào quy ước của bản”.

Được tận mắt chiêm ngưỡng những cây gỗ cổ thụ, có đường kính to khoảng 2-3 người ôm tại khu rừng thiêng thuộc bản Mã Lai, chúng tôi thật sự khâm phục về kỳ tích giữ rừng của bà con Vân Kiều nơi đây. Chợt nhớ lại câu nói của ông Vang, Chủ tịch xã Hướng Phùng: “Nếu người dân không có ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay giữ rừng thì có lẽ nay rừng không còn”. Và hôm nay, chúng tôi cũng không có cơ hội để chiêm ngưỡng những cây gỗ cổ thụ đang vươn mình tỏa bóng trước mắt.

Tán rừng nguyên sinh xanh mát.
Tán rừng nguyên sinh xanh mát.

Anh Hồ Văn Sáu, cán bộ xã Hướng Phùng – người dẫn chúng tôi đi “thị sát” rừng thiêng giới thiệu về lịch sử khu rừng và quá trình bảo vệ “lá phổi xanh” như để giải tỏa mọi thắc mắc. “Rừng đã có từ ngàn đời nay rồi nhà báo à. Người dân bản miềng xem việc giữ rừng như là nhiệm vụ sống còn. Nhờ đó mới giữ được những cây gỗ cổ thụ, thuộc dạng quý như ngày nay”.

Tán rừng nguyên sinh xanh mát.
Già Mưng rất tự hào vì các thế hệ trẻ biết ý thức việc giữ rừng. Những cây cổ thụ có đường kính 2-3 người ôm vẫn tồn tại nơi đây...

Cùng chúng tôi tiến sâu vào khu rừng, ông Hồ Mưng (84 tuổi, già làng Mã Lai) phấn khởi: “Bố tự hào lắm, bao năm qua người dân trong bản chưa hề chặt một nhánh cây, bẻ một cái cành, cũng như lấy đi một khúc gỗ nào từ rừng thiêng cả. Để có được như vậy là nhờ ý thức của bà con, ai cũng biết bảo vệ rừng”.

Khu rừng ở bản Mã Lai có diện tích khoảng 5 ha, hiện còn lưu giữ được rất nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, lát hoa… Nhiều cây có đường kính lớn từ 70 cm – 1m. Theo lời ông Mưng thì rừng đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Khi ông Mưng được sinh ra, rừng đã tồn tại, che chở cho làng. Bản thân ông Mưng cũng được cha giao lại trách nhiệm giữ rừng thiêng.

Cứ thế, bao năm nay, khu rừng Mã Lai được nhiều thế hệ người dân trong bản chung tay gìn giữ. Trong khi tại nhiều địa phương, rừng nguyên sinh đang bị xâm hại khá nghiêm trọng, bị nhiều đối tượng chặt phá thì khu rừng này này vẫn được bảo vệ nguyên trạng.

Ông Mưng cho biết: “Nhiệm vụ bảo vệ rừng được đưa vào quy ước của bản, nghiêm cấm tuyệt đối việc chặt phá rừng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được lấy gỗ từ rừng để phục vụ lợi ích cá nhân. Nếu ai không tuân theo thì bị bản làng lên án, thậm chí bị phạt nặng”.

Không chỉ duy trì những cây gỗ cổ thụ, rừng ở bản Mã Lai cũng có hệ sinh vật hết sức phong phú. Nhiều tầng cây bụi và hệ động vật cũng được bảo vệ nguyên trạng. Chính vì vậy mà nhiều loài chim di trú cũng thường bay về đây sinh sống, ẩn nấp.

Lời thề với rừng thiêng!

Trong ý thức và văn hóa của đồng bào Vân Kiều, rừng thiêng là nơi tôn nghiêm để thờ các vị thần thánh. Vì vậy, hàng năm người dân trong bản đều có tục cúng các vị thần ấy để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu thần núi dang tay che chở, xua đuổi động vật về tàn phá cây cối, và bảo vệ sự bình yên cho bản làng.

Cứ vào dịp tháng 5, tháng 6, cũng là lúc tiết trời trở nên ấm áp, bà con vừa kết thúc vụ mùa là tất thảy người dân trong bản lại đóng góp của cải để cúng các vị thần thánh. Tuyệt nhiên, trong tục cúng kỵ đó không mang sắc màu của sự mê tín dị đoan, mà đó là nét văn hóa tâm linh được người dân trong bản gìn giữ và phát huy.

Trong ngày đó, nhà nào có điều kiện thì góp gạo và súc vật do chính bà con trong bản làm ra. Nếu trúng mùa vụ, bà con sẽ làm một con trâu để cúng, hoặc nếu việc làm ăn chưa thuận lợi sẽ cúng lợn… Đây là dịp để bà con trong bản tề tựu lại khu rừng để khấn cầu những điều may mắn sẽ đến trong vụ mùa tới. Bên cạnh đó, lễ cúng diễn ra cũng là cơ hội để bà con trong bản gặp gỡ, chung nhau ly rượu nhạt, nắm cơm và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, trong những dịp này, các già làng, những người có chức trách trong bản nhắc nhở các thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ rừng. Người dân nơi đây tâm niệm, nếu ai đó có ý vào chặt trộm cây cối trong rừng sẽ bị các vị thần trách phạt, không chỉ phạt cá nhân đó bại hoại trong sản xuất, đau ốm mà phạt cả làng không được yên ổn?

Dù chưa thể kiểm chứng ý niệm đó có thật hay không nhưng người dân địa phương luôn truyền tai nhau một câu chuyện xảy ra cách đây mấy năm, có một nhóm người bản khác vào rừng chặt phá cây, sau đó về nhà thì bị một trận ốm “thập tử nhất sinh” và phải nộp lợn, gà để cúng mới khỏi bệnh.

Ông Mưng cho biết, xâm phạm rừng thiêng là đụng đến thần thánh, cũng như tự hủy hoại chính cuộc sống tốt đẹp của bà con trong bản, của chính mỗi người. Dù ai đi chăng nữa, nếu vào rừng chặt phá cây cối mà bị phát hiện đều phải trừng phạt nghiêm khắc, phải nộp lễ vật để tế thần linh. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nặng nhẹ để nộp lễ vật. Ông Mưng tự hào rằng, sống hơn 80 năm ở đời, ông chưa bao giờ đụng đến một nhánh cây, một phách gỗ trong rừng. Có lẽ, noi gương các vị già làng như ông Mưng mà các thế hệ người dân bản Cheng, Mã Lai cũng có trách nhiệm hơn với rừng, bảo vệ khu rừng thiêng ngày càng xanh tốt, nguyên sơ.

Ông Thái Văn Vang cho biết, những năm trở lại đây, bà con đã có cuộc sống ổn định nhờ cây cà phê. Thậm chí, có những gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chính vì vậy, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Đó là điều đáng quý mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Dường như, lời ông Vang nói đã được xác thực bằng những đồi cà phê xanh ngút, trên những vùng được xem là “đất chết”, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.

Thế hệ trẻ như anh Sáu đang tiếp tục noi gương các già làng trong việc bảo vệ rừng
Thế hệ trẻ như anh Sáu đang tiếp tục noi gương các già làng trong việc bảo vệ rừng

Cũng vì trách nhiệm với cộng đồng, vì lời thề với rừng thiêng mà thế hệ trẻ như anh Sáu đang tiếp nối nhiệm vụ và càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng, như thế hệ của già Mưng để những cây cổ thụ, quý hiếm ở rừng Mã Lai, Cheng vẫn tồn tại. Để rừng vẫn phát triển tốt tươi, vươn mình che chở cho bản làng quê hương.

Đăng Đức