Quảng Ninh ngập lụt "khủng khiếp" do hệ thống thoát nước lỗi thời?

(Dân trí) - “Hệ thống thủy lợi, thoát nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được xây dựng từ 20 – 30 năm trước, đã lỗi thời, không đáp ứng được việc tiêu thoát lũ... dẫn đến nhiều địa bàn trong tỉnh bị ngập nặng”, ông Trần Đình Hòa, Chánh Văn phòng BCH PCLB và TKCN cho biết.

"Tỉnh Quảng Ninh không hề chủ quan về mưa lũ"

Sáng 30/7, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo thông tin việc khắc phục hậu quả đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua trên địa bàn tỉnh.

29-4-b4d21
Quy hoạch lỗi thời cồng với chiều cường khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngập nặng khi có mưa lớn?

Ông Trần Đình Hòa, Chánh Văn phòng BCH phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to và giông. Đây được đánh giá là trận mưa lớn nhất từ hơn 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn bộ thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông; các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của thành phố Hạ Long, phường Quang Hanh của thành phố Cẩm Phả, đảo Bản Sen huyện Vân Đồn đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Theo thống kê sơ lược ban đầu, tính tới thời điểm hiện tại, cơn mưa lớn kéo dài 3 ngày đã gây ngập lụt khoảng 4.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 17 người chết. 6 ngư dân trên một tàu cá của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) di chuyển từ Bạch Long Vĩ bị mất tích dạt vào vùng biển Quảng Ninh. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng trên 1.500 tỷ đồng. Riêng ngành than bị trôi mất khoảng 1 vạn tấn than (tương đương 500 tỷ đồng).

 

b1-79f6f
Ông Trần Đình Hòa trả lời câu hỏi của báo chí và khẳng định không có chuyện tỉnh Quảng Ninh chủ quan trong mưa lũ.

Đến nay, mưa đã tạm ngớt, nhưng theo thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh, thời tiết khu vực tỉnh Quảng Ninh từ ngày 29/7 đến ngày 3/8 sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc.

Trước những câu hỏi của phóng viên về sự chủ quan của tỉnh Quảng Ninh trong trận mưa lũ lịch sử, ông Trần Đình Hòa cho biết, ngay từ khi có mưa trong ngày 25/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp điện thoại đến từng địa phương yêu càu triển khai ngay các phương án phòng chống lũ lụt.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh liên tục có điện khẩn (4 công điện) và đến từng điểm trọng yếu, yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn.

“Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Đọc cũng đã có công văn yêu cầu toàn tỉnh Quảng Ninh dừng tất cả công việc để tập trung phòng chống lũ lụt”, ông Hòa cho biết.

Hệ thống thoát nước đã lỗi thời

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi, trong quá trình phóng viên “bám” địa bàn, thấy rất nhiều người dân “kêu” về quy hoạch đô thi của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có việc hệ thống cống thoát nước quá nhỏ. Do đó việc mưa to lượng nước dồn về nhiều mà không kịp tiêu thoát cho dù Quảng Ninh là một tỉnh có biển bao quanh?

Ông Trần Đình Hòa cho biết, do mưa lớn kéo dài và lượng mưa lớn gấp nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua; hệ thống thủy lợi, thoát nước không đáp ứng được do được xây dựng từ 20-30 năm trước và do tác động của thủy triều nên gây ngập úng trên nhiều địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

b3-fd20d
Các phóng viên thường trú tại Quảng Ninh và cán bộ Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh ủng hộ đồng bào Quảng Ninh bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Cũng theo ông Hòa, năm 2008, Quảng Ninh đã có kế hoạch di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở ở các điểm trọng điểm như Móng Cái, Cẩm Phả, còn lại có nguy cơ sạt lở không lớn. Đối với nơi sạt lở vừa qua tại Hạ Long là do mưa quá lớn, nhiều năm trước chưa xảy ra tình trạng trên. Những điểm di dân TP cũng có rồi, còn những chỗ sạt lở chỉ là quá sức chịu đựng, chưa lường hết được.

Tại buổi họp báo sáng 30/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi các cơ quan đơn vị nhà nước, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên cả nước sẻ chia tấm lòng với người dân Quảng Ninh sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 50 triệu đồng đối với những gia đình có nhà bị sập, đồng thời huy động cơ quan chức năng liên quan giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ. Tính đến chiều ngày 29/7, đã có 44 đơn vị ủng hộ đồng bào bão lụt số tiền trên 25 tỷ đồng và con số này sẽ chưa dừng lại. Tỉnh Quảng Ninh sẽ thông báo về số tiền ủng hộ trong những ngày tiếp theo.

Sáng 30/7, sau buổi họp báo, các phóng viên, cán bộ công nhân viên các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh và Sở Thông tin Truyền thông ủng hộ đồng bào bị mưa lũ tại tỉnh Quảng Ninh.

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người chết; hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương.

Tuấn Hợp