Quảng Nam yêu cầu thủy điện tích nước, Đà Nẵng đi “xin nước”

(Dân trí) - TP Đà Nẵng đang thiếu nước nên đề nghị Quảng Nam điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế đưa nước về sông Vu Gia phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội... nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các thủy điện tích nước cuối mùa lũ.

Trong mùa mưa lũ năm 2018 này, trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Đến giữa tháng 11 nhưng hầu hết các hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn Quảng Nam không có nước để tích.

Quảng Nam yêu cầu thủy điện tích nước, Đà Nẵng đi “xin nước” - Ảnh 1.

Thủy điện đầu nguồn tỉnh Quảng Nam năm nay không có nước để tích, dù hiện nay đang là giữa mùa mưa

 

Để tiến hành tích nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đã ký văn bản yêu cầu các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn tích nước.

Theo văn bản cho hay, hiện nay mực nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 rất thấp, xấp xỉ mực nước chết nên có nguy cơ cao thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2019 cho vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn.

Theo văn bản của tỉnh Quảng Nam, từ nay đến ngày 15/12/2018, nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn không lớn, chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt và cũng là giai đoạn tích nước cuối mùa lũ của các hồ chứa thủy điện theo quy định tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Quảng Nam yêu cầu thủy điện tích nước, Đà Nẵng đi “xin nước” - Ảnh 2.

Trong khi đó, TP Đà Nẵng đã có văn bản “xin nước” tỉnh Quảng Nam để đẩy mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy nước cầu Đỏ (Đà Nẵng) thiếu nước bơm do không có nước từ đầu nguồn đổ về

 

“Do vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2019 ở vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đập thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 thực hiện vận hành tích nước cuối mùa lũ; riêng hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 phải thực hiện vận hành xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo quy định”, văn bản của tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Do nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của TP Đà Nẵng đều bắt nguồn từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn nên khu vực thượng nguồn tỉnh Quảng Nam không có mưa đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu nước của TP Đà Nẵng.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở Công Thương và Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, báo cáo trình UBND thành phố ký gửi Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam điều tiết nước về hạ lưu để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất cho địa phương.

Ngày 15/11 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xử lý tình trạng nhiễm mặn tại sông cầu Đỏ.

Theo đó, để giải quyết, hạn chế tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước tại khu vực hạ du sông Vu Gia, nhất là tại Nhà máy nước cầu Đỏ (Đà Nẵng) đang xảy ra rất gay gắt như hiện nay, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam trước mắt trong năm 2018 cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế (huyện Đại Lộc) để giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia cấp nước cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

UBND TP Đà Nẵng cũng đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của TP Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Ngày 23/11, ông Văn Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – cho hay, tỉnh cũng đã nhận được văn bản của TP Đà Nẵng về việc hỗ trợ xử lý tình trạng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ.

Sau khi nhận được công văn của Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì cùng Sở TN-MT và các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu để có ý kiến tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ TP Đà Nẵng xử lý tình trạng nhiễm mặn tại sông cầu Đỏ.

Công Bính