Quảng Nam và Đà Nẵng yêu cầu thủy điện trả nước chống hạn

(Dân trí) - Ngày 31/3, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa Tổng Cục thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và lãnh đạo hai địa phương Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trước tình trạng hạn hán đang diễn ra khốc liệt tại hai địa phương này.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Vạn Thắng - cho biết qua khảo sát thực tế cho thấy lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay đổ xuống lưu vực sống Vu Gia rất nhỏ, lưu lượng nước đổ về hạ du con sông này cũng rất thấp.
Các đại biểu tại cuộc họp bàn biện pháp chống hạn, đẩy mặn
Các đại biểu tại cuộc họp bàn biện pháp chống hạn, đẩy mặn

Hiện mực nước tại các hồ chứa chính của TP Đà Nẵng đều dừng hoạt động, hàng ngàn ha đông xuân bị ảnh hưởng, nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) phải bơm nước từ nhà máy nước dự phòng trên đập dâng An Trạch, cách trạm bơm cầu Đỏ 8km, chi phí lớn, rủi ro nhiều. 

Ông Thắng cho biết ngoài thời tiết bất lợi thì việc thủy điện Đắk Mi 4, thượng nguồn sông Vu Gia hầu như không xả nước về hạ du trong thời gian qua là nguyên nhân gây thiếu nước vùng hạ du.

Trước tình hình hạn hán này, ngành nông nghiệp TP Đà Nẵng đề nghị các Bộ ngành chỉ đạo thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s, để chống hạn. Ngành nông nghiệp Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng xúc tiến nghiên cứu giải pháp cấp bách, đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế (đây là nhánh chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn) bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa (nhánh chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cho cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên đến nay nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 vẫn không chịu xả nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào năm 2010, mặc dù mực nước trong hồ thủy điện Đắk Mi 4 hiện là 250,7m, cao hơn mực nước chết 10,7 m và lưu lượng nước vào hồ đang nằm ở khoảng 25-40m3/s.

Thủy điện Đắk Mi 4 cũng đưa ra lí do, Quảng Nam cũng đang thiếu nước vì hạn hán, ít mưa nên nhà máy thủy điện này dành nguồn nước về sông Thu Bồn giúp vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên chống xâm nhập mặn, phục vụ chống hạn cho mùa hè thu tới. Hiện chưa có văn bản chỉ đạo việc thủy điện Đắk Mik 4 phải xả về Vu Gia với lưu lượng nước bao nhiêu trong mùa khô nên không biết phải xả như thế nào.
 
Các đại biểu tại cuộc họp bàn biện pháp chống hạn, đẩy mặn
Thủy điện Đắk Mi 4 sẽ tham gia chống hạn, đẩy mặn cho phía Bắc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ NN&PTNT

Theo đại điện hai nhà máy thủy điện nằm ở thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn là A Vương và Đắk Mi 4, thời tiết bất lợi nhiều tháng qua và dự báo sẽ còn kéo dài đến tháng 9/2013 khiến mực nước tự nhiên đổ về các hồ thấp nhất từ trước tới nay. Lượng nước hiện nay tại đập thủy điện A Vương là 49 triệu m3, nếu nước đổ về hồ chứa theo tầng xuất hiện nay thì đến cuối tháng 8/2013 tổng lượng nước có tại đập thủy điện A Vương đạt khoảng 200 triệu m3.

Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đến thời điểm này mực nước ở các hồ thủy điện khu vực miền Trung đang ở mức rất thấp, do vậy từ đầu năm 2013 EVN đã có chỉ đạo các nhà máy thủy điện khai thác hạn chế, cầm chừng để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho các địa phương, cứ 6 ngày chạy rồi 6 ngày nghỉ. Tuy nhiên trước tình hình trên, đại diện EVN sẽ yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 và A Vương xả nước về hạ du sông Vu Gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy lợi - ông Nguyễn Văn Tỉnh - đề nghị: “Bây giờ nước là vàng rồi, phải tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Chỉ xả nước tập trung ở các hồ Đắk Mi 4 và A Vương chứ không dàn trải nữa, thống nhất xả 1 đợt vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt và nông nghiệp là từ ngày 15/5- 30/5 khoảng 39m3/s với thủy điện A Vương và 50m3/s với thủy điện Đắk Mi 4, và cả 2 địa phương cũng phải xuống giống tập trung trong thời gian này.

Ông Tỉnh cũng cho rằng nếu xả tập trung như vậy chắc chắn sẽ đáp ứng được như cầu nước của Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, hai địa phương cần xem xét cân đối lại nguồn nước, thậm chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu cần. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu giải pháp tổng thể đối với vấn đề hạn hán ở khu vực miền Trung.

Thông tin tại cuộc họp, vào tuần sau Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản thông báo lịch xả nước đến các địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ chỉ đạo việc lấy nước nên sau xả đợt 1 nếu cần, phải họp rút kinh nghiệm.

Trước mắt, đối với việc điều tiết nước ở sông Quảng Huế, Bộ NN&PTNT đề nghị hai địa phương nghiên cứu giải pháp chặn cửa vào sông Quảng Huế, tập trung lượng nước có được từ sông Vu Gia về sông Ái Nghĩa (nhánh chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cho cấp nước sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo công tác đẩy mặn cho các nhà máy nước của TP Đà Nẵng.

Công Bính