1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quản lý xe ôm ở Quảng Bình: Sẽ xem xét điều chỉnh

(Dân trí) - Quy định về quản lý xe thô sơ, môtô 2 - 3 bánh hoạt động vận tải của tỉnh Quảng Bình có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng tình hình chưa có chuyển biến vì cả đối tượng được điều chỉnh lẫn cơ quan quản lý, xử lý vi phạm đều nói “gặp vướng mắc”.

Thừa bất cập, thiếu chế tài
 
Nghị định 34/2010/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/5/2010) của Chính phủ chỉ quy định chế tài xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện xe thô sơ, gắn máy, môtô 2 - 3 bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa (dưới đây tạm gọi là “xe ôm”) không đeo biển hiệu, trang phục do UBND tỉnh, TP quy định.
 
Quản lý xe ôm ở Quảng Bình: Sẽ xem xét điều chỉnh - 1
Quy định về quản lý "xe ôm" có thể được điều chỉnh?
 
Ngoài ra, những quy định khác trong quyết định 03/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình (như “xe ôm” không được đi đến huyện thứ 3, phải đăng ký với UBND cấp xã, thời gian hoạt động, tuyến đường, điểm đỗ đón trả khách…) không nêu rõ chế tài xử lý vi phạm nên thực tế gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.
 
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, từ khi quyết định của tỉnh có hiệu lực pháp luật, chưa có cuộc họp hay hội nghị nào để triển khai và lấy ý kiến về những vướng mắc trong công tác xử lý.
 
Vì vậy, thực tế lực lượng CSGT chưa biết phải xử lý thế nào với những người vi phạm theo quy định này. “Việc phát hiện và chứng minh được đối tượng vi phạm là “xe ôm” đã khó, việc xử lý cũng không dễ vì thiếu chế tài”, một cán bộ phòng CSGT cho biết.
 
Thêm vào đó, việc quyết định có hiệu lực 10 ngày sau khi ban hành (8/3) được coi là quá gấp gáp, không đủ quỹ thời gian cho công tác tuyên truyền, phổ biến và khối lượng công việc mà đối tượng được điều chỉnh và các cơ quan hữu quan thực hiện như đăng ký hành nghề, mua sắm biển hiệu, trang phục, quy hoạch điểm đỗ đón trả khách…
 
Qua khảo sát thực tế của PV, đến nay hoạt động “xe ôm” vẫn chưa có biến chuyển đáng kể dù quy định có hiệu lực đã hơn 2 tháng. Phần lớn người lái “xe ôm” được hỏi không hề biết có quy định như thế, và chỉ đưa ra ý kiến phản biện khi được PV thông báo quy định.
 
Trong các ý kiến phản biện, ngoài những lo ngại về quy định màu áo, điểm đỗ, giờ hoạt động, tuyến đường được hoạt động thì điều khiến người lái “xe ôm” băn khoăn nhất chính là quy định “xe ôm” không được đi đến huyện thứ 3. Họ băn khoăn về cả tính cần thiết của quy định lẫn tính hợp hiến của nó.

“Nếu chưa đồng thuận, có thể xem xét điều chỉnh”

Ông Võ Tiến Lợi - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về các quy định này, cho biết: “Khi tham mưu, chúng tôi hướng tới những định hướng lâu dài, không đưa ra những quy định chi tiết về điểm đỗ đón trả khách, tuyến đường hay thời gian hoạt động đối với người điều khiển phương tiện mà để mở cho mỗi địa phương xem xét, quy định với từng loại phương tiện theo tình hình thực tế của địa phương”.

Ông Lợi cho biết, hiện Sở GTVT đang chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện quy định. “Sau khi quy định được ban hành, đã có ý kiến cho rằng cần có hội nghị triển khai thực hiện song vì trong quy định đã giao cụ thể trách nhiệm cho các cấp, ngành liên quan nên thiết nghĩ mỗi cấp, ngành phải thực hiện đúng trách nhiệm được giao”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, hiện chưa có phản hồi tình hình thực tế ở các huyện, TP trực thuộc tỉnh nhưng nếu chưa có sự đồng thuận cao đặc biệt từ các đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định thì Sở có thể tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số quy định.

Cụ thể, những bất cập được nhắc đến như quy định màu áo của các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình vận tải này trên một địa bàn không được trùng nhau, Sở sẽ xem xét theo hướng hợp nhất một màu áo. Sở cũng sẽ cân nhắc quy định “xe ôm” hoạt động tới huyện thứ 3 và có hướng dẫn thêm về quy định điểm đỗ đón trả khách theo hướng quy hoạch điểm đỗ đón khách cố định và cho phép trả khách, hàng hóa ở nơi khách yêu cầu.

Mong rằng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình sẽ có những điều chỉnh phù hợp cũng như xem xét lộ trình thực hiện, quy định chế tài cụ thể và khả thi để cả đối tượng được điều chỉnh lẫn các cơ quan thực thi, xử lý vi phạm thực hiện có hiệu quả.

Hồng Kỹ