1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quản lý thức ăn đường phố - bài toán khó giải

(Dân trí) - Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kể cả hàng rong, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên giấy tờ thì như vậy nhưng thực tế, việc quản lý thức ăn đường phố còn gặp phải nhiều vướng mắc.

Nỗi lo từ những gánh hàng rong

 

Theo TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP), chuyện cấm hàng rong hoạt động trên địa bàn thành phố là rất khó, đây là một phần đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam và cũng một nét văn hoá riêng của nước ta. Chính vì vậy, Quy định về điều kiện VSATTP đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong đó có hàng rong là cần thiết.

 

Ông Trần Đáng cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho hàng rong sẽ khả thi nếu cán bộ phường tập trung tất cả các đối tượng hành nghề, yêu cầu khai rõ nguồn gốc hàng hóa và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh khác.

 

Điều quan trong là sau khi cấp phép, cán bộ địa phương phải liên tục kiểm tra đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những người không được cấp phép mà vẫn hành nghề. “Cần có một chế tài nghiêm khắc và sự quản lý sát sao của cán bộ địa phương thì mới mong tình hình được cải thiện” - ông Đáng nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên TS Lê Anh Tuấn, giám đốc Sở Y tế Hà Nội lại cho rằng việc giám sát nguồn gốc hàng hóa của người bán rong cũng chưa chắc đã hiệu quả vì người bán có thể khai là mua hàng ở nơi này, nhưng thực chất lại lấy hàng ở nơi khác. Điều này không ai kiểm soát nổi.

 

Theo ông Tuấn, với một số loại  thực phẩm ăn ngay đòi hỏi phải có bát đĩa như bún, bánh cuốn... thì chắc chắn các gánh hàng rong không thể đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh, vì vậy, nên cấm hẳn, “chỉ có một xô nước bé tẹo để rửa bát, trong khi bao nhiêu khách ăn, nên không thể nào sạch được” - ông Tuấn nói.

 

Còn ông Nguyễn Thái Quân, Trưởng trạm y tế phường Giảng Võ, nơi đang thí điểm các biện pháp tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm thì cho biết, chính họ cũng không biết chính xác là phường mình có bao nhiêu đối tượng bán hàng rong, họ cũng chưa cấp được một giấy chứng nhận nào cho thực phẩm bán rong vì đây là một việc quá khó.

 

Theo báo cáo ở trạm y tế này, cả phường “chỉ có” hơn 10 địa chỉ bán hàng rong nhưng cũng không thể gặp được chủ hàng vì họ chạy khắp nơi, không biết đâu mà tìm!

 

Đâu là giải pháp

 

Ông Đáng cho rằng việc quản lý thức ăn đường phố, đặc biệt là hàng rong, ngoài việc tạo điều kiện cấp phép khi người bán hàng đáp ứng đầy đủ về yêu cầu VSATTP cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các trung tâm y tế và cán bộ quản lý xa, phường. Tất nhiên, để có được sự hỗ trợ quản lý này cần có sự hỗ trợ về nhân lực và kinh phí của nhà nước.

 

Ông Lê Anh Tuấn đưa ra ý kiến , để hạn chế tác hại của các hàng bán rong mất vệ sinh, cần hạn chế các điều kiện tồn tại của họ. Đầu tiên là tuyên truyền để người mua nhận thức được sự nguy hiểm và độc hại của thức ăn mất vệ sinh cần, từ đó họ sẽ không dùng loại thực phẩm đó nữa thì tất yếu bán rong cũng tự loại bỏ hoặc buộc phải tuân theo quy định về vệ sinh.

 

Không chỉ tuyên truyền, cần phải có cả hình thức phạt với những người mua và ăn của những gánh hàng không đảm bảo bởi chính họ đã  tạo điều kiện cho hàng rong “bẩn” hoạt động.

 

“Bên cạnh đó cũng nên hạn chế những địa điểm được phép bán rong thực phẩm. Chỉ một số tuyến phố được phép bán, và có mái che hẳn hoi; không cho phép gánh hàng di động trên vỉa hè đường phố. Nếu quy định chặt chẽ sẽ không còn đất sống cho những hàng rong mất vệ sinh” - ông Tuấn nói.

 

Đồng tình với ý kiến trên,  ông Trần Đáng cho rằng, các phường nên có quy định tuyến phố nào được phép bán rong thực phẩm, tuyến nào không, và chỉ được phép bán trong một số giờ nhất định, vào giờ cao điểm thì cấm hoàn toàn. Dĩ nhiên những người được phép bán đều đã được chứng nhận là đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã tiến hành kiểm tra VSATTP đối với một số điểm kinh doanh ăn uống cố định trên địa bàn phường Giảng Võ. Trong số 6 cơ sở được kiểm tra đã có 3 cửa hàng không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

 

Quán bún nem ở 109 B1 Trần Huy Liệu ngang nhiên để lẫn thực phẩm sống cạnh thức ăn chín khiến ruồi, muỗi bâu, đậu... Quán cơm bên cạnh thì để thức ăn chín trong tủ không có kính, người bán không đeo găng tay khi gắp thức ăn cho khách. Đáng lưu ý là quán Táo Đỏ 103, C5, Giảng Võ nơi đã được cấp giấy chứng nhận tốt về VSATTP cũng có nhiều vi phạm trong việc bảo quản thức ăn và để mất vệ sinh trong khu vực nấu nướng.

Thực trạng là như vậy nhưng theo tiết lộ của cán bộ quản lý phường Giảng Võ, từ trước đến nay chưa có một cơ sở kinh doanh nào bị phạt hay đóng cửa vì vi phạm VSATTP.

 

Thanh Trầm