Quân đội có tiền lệ “Trung tướng đứng nghiêm chào… Thiếu tướng”

(Dân trí) - Giải thích về việc Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM sẽ có hàm Trung tướng – cao hơn cả hàm của cấp trên trực tiếp là Phó Tư lệnh Quân khu 7 (Thiếu tướng), đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định không có vướng mắc, sỹ quan giữ chức vụ cao hơn vẫn là chỉ huy.

Sáng 12/11, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Sỹ quan QĐND.

Trình bày những điểm mới của luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Sỹ quan QĐND, đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh nguyên tắc Bộ Chính trị đã chỉ đạo là quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng hàm cấp tướng ngay trong luật Sỹ quan quân đội nhân dân; đảm bảo số lượng cấp tướng của quân đội không vượt quá 415; nghiên cứu sớm tách lương khỏi quân hàm để việc phong thăm quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để thăng quân hàm cấp tướng.

Cơ quan soạn thảo luật nhận định, đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến nhân sự cán bộ chủ chốt và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Do vậy, những nội dung sửa đổi, bổ sung của luật Sỹ quan QĐND đã “bám” theo những nguyên tắc này.
 
Lễ diễu binh tại Bộ Tư lệnh TPHCM (ảnh minh họa).
Lễ diễu binh tại Bộ Tư lệnh TPHCM (ảnh minh họa).

Trung tướng Mai Quang Phấn – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng - cho biết, Điều 15 quy định xoay quanh vấn đề cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sỹ quan.

Một quy định hiện hành được giữ nguyên là quân đội có thể có 3 Đại tướng, áp đụng đối với chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội và Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị.

Luật cũng quy định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM có trần quân hàm Trung tướng (cao hơn 1 cấp so với hiện nay). Khi đó, có một thực tế là Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM – đơn vị trực thuộc Quân khu 7 còn có quân hàm cao hơn Phó Tư lệnh Quân khu này (Thiếu tướng) và bằng với quân hàm của Tư lệnh Quân khu.

Đáp lại thắc mắc của báo giới về việc khi đó, “Trung tướng phải đứng nghiêm chào… Thiếu tướng” nếu Phó Tư lệnh Quân khu 7 xuống kiểm tra, chỉ đạo công tác tại Bộ Tư lệnh TPHCM, Trung tướng Mai Quang Phấn xác nhận, quá trình xây dựng luật đã có nhiều ý kiến đề cập, tranh luận khá “găng” về việc Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM sẽ có trần quân hàm cao hơn Phó Tư lệnh của Quân khu 7.

Dù còn ý kiến khác nhau nhưng tướng Phấn nhấn mạnh, đến thời điểm này, quân đội thực hiện theo quyết định của Quốc hội. Trường hợp Trung tướng phải đứng nghiêm thi lễ với Thiếu tướng, ông Phấn cho biết, trong thực tiễn đã có. Nguyên tắc xử lý là, sỹ quan có chức vụ cao hơn nhưng bậc quân hàm lại bằng hoặc thấp hơn sỹ quan dưới quyền thì người nào có chức vụ cao hơn vẫn là cấp trên, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy.

“Việc này là bình thường trong thực tiễn, không có gì vướng mắc” – Trung tướng Mai Quang Phấn khẳng định.

Luật sửa đổi thống nhất đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng Hải quân để phù hợp với tố chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng Hải quân hiện đại, nâng cao khả năng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thứ tự các chức vụ trong hải quân cơ bản được sắp xếp từ Bộ trưởng đến Trung đội trưởng.

P.Thảo