Quan chức tăng cường độ tham nhũng lúc “hoàng hôn cuối nhiệm kỳ”

(Dân trí) - Đại biểu Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết biện pháp để ngăn chặn tình trạng quan chức tăng cường độ tham nhũng vào thời điểm “hoàng hôn cuối nhiệm kỳ”.

 

Ông Lê Như Tiến- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Ông Lê Như Tiến- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ sáng nay 17/11, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng tại các phiên họp chất vấn, nhiều đại biểu đã cảnh báo một số quan chức thường tăng cấp tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn cuối nhiệm kỳ”. Hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

“Xin Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ quyết liệt để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh với các hành vi vi phạm: hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản công thành bất động sản tư và đề bạt không bình thường vào lúc xế chiều hàng loạt cán bộ thân hữu vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án thời gian qua”- đại biểu Tiến nói.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

 

Cho rằng câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến hoàn toàn chính đáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói: “Trong thời gian qua, thực tiễn có xảy ra một số vi phạm trong trường hợp đó”.

Ông Tranh dẫn lại báo cáo của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 có nêu rõ “chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ về phòng chống tham nhũng”.

Theo ông Tranh, năm 2016 Thanh tra Chính phủ sẽ lưu ý việc triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp, chỉ đạo thường xuyên công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Các tổ chức đảng, đoàn thể, cán bộ công chức viên chức phải phát huy vai trò của mình, giám sát các giải pháp phòng ngừa, tố giác hành vi tham nhũng nếu có.

“Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đó có tham nhũng qua kênh đơn thư tố giác, phản ánh của dư luận nhân dân và phản ánh của báo chí”- ông Tranh nói.

Ông Tranh khẳng định Thanh tra Chính phủ sẽ lưu ý, quan tâm vấn đề mà đại biểu Lê Như Tiến phản ánh khi triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng kinh doanh đa cấp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nông dân, sinh viên nghèo khổ.

Theo ông Hiến, thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng. Nhiều trường hợp đã phải bỏ học, ly hôn, thậm chí tự tử vì dính vào đa cấp.

“Qua nghiên cứu tôi thấy rằng các doanh nghiệp đa cấp đã có những vi phạm pháp luật một cách rõ ràng. Có trường hợp còn mạo danh, sử dụng hình ảnh của các lãnh đạo nhà nước để lừa đảo. Cái này không sợ gì oan sai trong việc kết tội lừa đảo cả. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết trách nhiệm, giải quyết vấn đề trên”- ông Hiến đặt vấn đề.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng cần phải xem xét lại việc xử lý tin báo tố giác tội phạm để tránh bỏ lọt tội phạm. Ông Nghĩa dẫn chứng nhiều vụ việc vay mượn tiền của người dân không trả, đã được ông phản ánh tại kỳ họp thứ 9 nhưng VKSND không xử lý.

“Đại biểu Quốc hội đem cả tin tố giác tội phạm đến nghị trường QH mà cũng không được giải quyết thì sao mà dân an tâm được”- ông Nghĩa phản ánh.

Thế Kha