1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quản 7,5 triệu ha đất, hiệu quả không bằng một nhà máy

(Dân trí) - Ủy viên UB Thường hội Quốc hội bức xúc về hiệu quả kinh tế của các nông lâm trường khi nắm hàng triệu hecta đất đai mà nộp ngân sách mỗi hecta tương đương 10kg gạo/năm. Bộ trưởng TN-MT than khó về việc so sánh đất rừng với đất lúa, than khó về chuyện trách nhiệm…

Sáng 22/9, UB Thường vụ Quốc hội nghe, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”.

Hiệu quả khai thác nông lâm trường: 10kg gạo/ha/năm

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước là Trưởng đoàn Giám sát của UB Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước là Trưởng đoàn Giám sát của UB Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước – Trưởng đoàn giám sát cho biết, quá trình hình thành nông, lâm trường quốc doanh ở Việt Nam có lịch sử lâu dài, kể từ ít năm sau khi thành lập nước đến nay và có đóng góp không nhỏ trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Giai đoạn 1976-1986 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng. Hệ thống nông, lâm trường quốc doanh hình thành, phân bố rộng khắp cả nước, với 870 nông, lâm trường (457 nông trường, 413 lâm trường).

Các nông, lâm trường hiện vẫn quản lý hơn 7,5 triệu ha đất (bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước).

Tuy nhiên, việc sử dụng đất được đánh giá chung là kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực.

Tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng.

“Giật mình” trước con số nêu ra, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thốt lên: “Hiệu quả như vậy thì chết”. Ông Hiển so sánh, với hàng triệu ha đất sử dụng mà trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỷ đồng nghĩa là không bằng một nhà máy, tính ra mỗi ha chỉ thu được 90.000 đồng/năm, tức là khoảng 10kg gạo.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng phân tích thêm, tổng tài sản của toàn bộ các Cty nông nghiệp vào khoảng 39.000 tỷ đồng nhưng trong đó riêng Tập đoàn cao su đã chiếm 32.000 tỷ đồng, nghĩa là phần cho tất các các doanh nghiệp còn lại rất nhỏ. Sau quá trình sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh, tỷ lệ lỗ giảm từ 27% xuống còn 22%, tác động như vậy, theo bà Mai cũng không mạnh, không hiệu quả.

 


Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên thảo luận.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang khẳng định, các nông lâm trường có vai trò lịch sử, cần đánh giá cả ở các nhiệm vụ, vai trò như giữ biên giới, giải quyết vấn đề đồng bào dân tộc chứ không chỉ nhìn nhận trên hiệu quả kinh tế.

Bộ trưởng Quang cũng phân trần, nói là các nông lâm trường đang được giao sử dụng rất nhiều đất (hơn 7,5 triệu ha) nhưng thực tế chỉ có hơn 600.000ha đất nông nghiệp, tỷ lệ rất nhỏ. Theo ông Quang, không thể so sánh hiệu quả của đất rừng với đất lúa được.

Xác nhận đánh giá chung, việc sử dụng đất của nông lâm trường kém hiệu quả là có căn cứ nhưng Bộ trưởng TN-MT cũng giải thích, khó nói về câu chuyện trách nhiệm vì quá trình hoạt động, quản lý các nông lâm trường đã qua nhiều thời kỳ.

“Không phải tôi muốn đổ cho khách quan nhưng phải thừa nhận yếu tố khách quan rất lớn đó là vấn đề cơ chế thay đổi qua các thời kỳ, cơ chế quản lý, chính sách quản lý đều điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến hệ quả hiện nay. Ngoài Bộ TN-MT còn nhiều Bộ ngành khác như Bộ Nông nghiệp, Quốc phòng, Công thương… cũng có vai trò trong lĩnh vực này” – ông Quang nói.

Không thể “khư khư giữ lấy”

Báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội dành phần dung lượng khá lớn để phân tích về hiện trạng quản lý đất đai tại các nông, lâm trường hiện nay. Thự tế, hiện tại, phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt (điển hình là ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung); vẫn còn tình trạng để đất hoang hóa chưa sử dụng.

Theo Chính phủ, có 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm 297.678ha (trong đó đất nông trường 33.309ha, chiếm 5,2%; đất lâm trường 264.369ha, chiếm 5,3%). 24/53 tỉnh, thành phố có tranh chấp đất đai của nông, lâm trường, với diện tích 61.038ha (trong đó đất nông trường 2.238ha, chiếm tỉ lệ 0,4%; đất lâm trường 58.800ha, chiếm tỉ lệ 1,2% diện tích đất các lâm trường được giao quản lý).

Kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.

Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc (điển hình là một số nông, lâm trường ở các tỉnh Tây nguyên, Tây Bắc và trên địa bàn Hà Nội).

Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, khó phân định trách nhiệm đối với các nông, lâm trường vì đã trải qua nhiều thời kỳ.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, khó phân định trách nhiệm đối với các nông, lâm trường vì đã trải qua nhiều thời kỳ.

Một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp mà để đầu cơ, chờ cơ hội bán đất kiếm lời. Nhiều nông, lâm trường thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng cho người lao động dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của nông, lâm trường (điển hình như Công ty Chè Mộc Châu, Công ty Chè Yên Bái, Công ty cổ phần Thực phẩm Bắc Giang, Công ty cổ phần Đông Triều...).

Với câu chuyện “sự đã rồi” như vậy, Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị không tiếp tục “khư khư giữ lấy”, cho là đất công, cần phải chuyển giao, tổ chức lại quan hệ sản xuất trong các nông lâm trường, giao hẳn đất, rừng cho người dân thì mới có hiệu quả, đất trống đồi núi trọc mới hi vọng được phủ xanh.

“Gật đầu” với phân tích này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn câu chuyện ở Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) từng gây ồn ào dư luận nhiều năm. Nông trường này hình thành sau giải phóng, người cha lãnh đạo nông trường được phong anh hùng, người con lên thay cũng được phong anh hùng. Nhưng bây giờ tình trạng thế nào các đồng chí thử xem, đất đai cũng tư nhân cả rồi, trong khi công sức xây dựng nông trường là của bao nhiêu người.

Ông Sơn đề nghị đánh giá thẳng thắn, đất đai nông lâm trường hiện nay cơ bản nhà nước không quản lý được, phải yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi, giao lại đất cho người dân canh tác.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đồng ý với hướng, những diện tích đất đai đã chuyển nhượng, người dân đã sinh sống ổn định, tự làm kinh tế để đời sống tốt lên thì cần giao hẳn cho người sử dụng. Bà Mai khuyến cáo “không nên ôm đồm nhiều vì dù gì vẫn là người dân mình sinh sống ở đó, cần tạo điều kiện để không xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người đã gắn cả đời với nông lâm trường”.

P.Thảo