1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Phương án nào cũng có chỗ cho các hộ kinh doanh”

(Dân trí) - “Dù thành phố có phương án này hay phương án kia, điều chỉnh thế này hay thế khác, 300 hộ kinh doanh tại chợ 19/12 trước đây phải có nơi để tiếp tục buôn bán”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phạm Quang Nghị khẳng định.

Bên lề hội nghị của thành phố, sáng 20/12, trao đổi với báo chí về những nội dung liên quan đến chợ 19/12, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cho rằng, nhiệm vụ bảo tồn, nhiệm vụ phát triển, nhiệm vụ kinh tế đều quan trọng và trên địa bàn thủ đô phải quan tâm đến tính toàn diện.

Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, có thể phải ưu tiên nhiều hơn cho bảo tồn, thậm chí là ưu tiên tối đa cho bảo tồn, nếu như giá trị bảo tồn ấy cực kì quan trọng, cực kì quí hiếm, không thể thay thế được.

Nhưng cũng có những gía trị bảo tồn có tính phổ biến, cần chọn lấy một nơi ưu tiên cho bảo tồn còn nơi khác phải ưu tiên cho phát triển, vì theo ông Nghị “cái hôm nay ưu tiên cho phát triển có thể trở thành đối tượng bảo tồn của mai sau”.

Đi cụ thể vào vấn đề chợ 19/12, ông Nghị cho biết, thành phố đang phải suy nghĩ tìm ra cách để giải được bài toán này tốt nhất. Ông Nghị cũng khẳng định: “dù thành phố có phương án này hay phương án kia, điều chỉnh thế này hay thế khác, 300 hộ kinh doanh tại chợ trước đây phải có nơi tiếp tục buôn bán”.

Cũng bên lề buổi họp, Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Thế Thảo đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên về chợ 19/12:

“Phương án nào cũng có chỗ cho các hộ kinh doanh”  - 1

Được biết vừa qua, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với các sở ngành về dự án tại chợ 19/12. Xin ông cho biết nội dung của buổi làm việc này?

Chúng tôi giao cho các sở ngành rà soát lại quá trình thủ tục, trình tự đầu tư để xem tính pháp lí, các điều kiện, hiệu quả kinh tế xã hội, tham mưu cho quyết định thực hiện dự án đó… Nói ngắn gọn, mục tiêu của thành phố là đang tìm mọi giải pháp để làm sao đạt được tất cả các mục tiêu. Bà con sẽ có nơi có chợ để bán, để làm ăn tiếp tục, có lao động để sinh sống, thành phố sẽ có đường xá, giao thông, cảnh quan đô thị…

Cho đến lúc này, thành phố có đặt ra tình huống không xây dựng trung tâm thương mại tại chợ 19/12 không?

Việc này thành phố chưa kết luận.

Trong qui hoạch quận Hoàn Kiếm đã được thành phố phê duyệt, đây vẫn là con đường, tại sao thành phố lại chấp thuận cho xây trung tâm thương mại?

Tất nhiên trong qui hoạch, đây là con đường, nhưng trên cơ sở rà soát lại năng lực giao thông, các điều kiện để xem xét, có thể điều chỉnh vì đường có nhiều loại, đường giao thông lớn, giao thông chính, giao thông phụ, đường đi bộ, đường giao thông chuyên dụng…

Nhưng để điều chỉnh qui hoạch, Chủ tịch UBND thành phố phải ra quyết định?

Để quyết định thành phố phải xem xét kĩ lưỡng, giải quyết cả các lợi ích, các yêu cầu.

Nhưng Thành phố chưa điều chỉnh qui hoạch tại khu vực chợ 19/12 theo QĐ 96/2000 mà đã cho thu hồi đất để xây dựng trung tâm thương mại, liệu có đúng với luật đất đai?

Một quyết định hành chính ban hành sau đó người ta có thể có điều chỉnh, tuỳ theo bối cảnh, điều kiện, mục tiêu, mục đích sử dụng như thế nào. Còn không có nghĩa là cứ điều chỉnh một quyết định là sai, vi phạm luật…

Trong giải pháp thành phố nghiên cứu, lợi ích của chủ đầu tư và các hộ kinh doanh sẽ được đặt ra như thế nào, thưa ông ?

Với tất cả thành phần tham gia vào đó mình phải giải quyết được các lợi ích cho họ, chứ không phải được cái nọ mất cái kia, đó mới là giải pháp. Tất nhiên, trong đó mình phải có sự lựa chọn, cái nào là cái chính, cái nào là cái phụ…

Thành phố dự kiến khi nào sẽ có phương án cho khu vực chợ 19/12?

Sẽ cố gắng sớm. Hiện nay cái chính để thực hiện được giải pháp đó là phải xác định được địa điểm, các mục tiêu, nội dung khác. Khi nào xong rồi thành phố mới công bố. Còn chủ trương của thành phố sẽ tìm, đưa ra các giải pháp làm sao đạt được tất cả các mục tiêu. Cố gắng để giành được lợi ích lớn, hi sinh lợi ích nhỏ…

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường