1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phú Yên cho phá rừng đặc dụng để lấy đất thực hiện dự án Đèo Cả là phạm luật

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận chỉ ra một loạt sai phạm của UBND tỉnh Phú Yên về việc cho Công ty CP tập đoàn Hải Thạch phá 16 ha đất, rừng đặc dụng để lấy đất thực hiện dự án Đèo Cả.

Nguồn tin của phóng viên Báo Dân trí ngày 29/1 cho biết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.

Đây là một trong những dự án sai phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng ở Phú Yên được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo TTCP làm rõ.

Thực hiện chỉ đạo của phó Thủ tướng, ngày 21/11/2017, tổng thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra về việc UBND tỉnh Phú Yên cho chuyển đổi 16ha đất rừng đặc dụng đèo Cả (thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) để Công ty CP tập đoàn Hải Thạch (gọi tắt là tập đoàn Hải Thạch) lấy đất làm vật liệu xây dựng.

Một loạt sai phạm của UBND tỉnh Phú Yên trong việc cho tập đoàn Hải Thạch khai thác 16ha đất rừng đặc dụng để lấy đất phục vụ dự án hầm Đèo Cả
Một loạt sai phạm của UBND tỉnh Phú Yên trong việc cho tập đoàn Hải Thạch khai thác 16ha đất rừng đặc dụng để lấy đất phục vụ dự án hầm Đèo Cả

Khu vực cấm khai thác khoáng sản nhưng vẫn được cấp giấy phép

Theo báo cáo của TTCP, khu vực rừng với diện tích 16 ha (15 ha có rừng) tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được quy hoạch là rừng đặc dụng khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.

Năm 2010, tập đoàn Hải Thạch có văn bản đề xuất xin được lấy 16ha nói trên để khai thác đất phục vụ dự án hầm đường bộ đèo Cả.

Từ đề xuất của tập đoàn Hải Thạch, Sở TN&MT đã chủ trì kiểm tra và xác định khu vực này chưa có trong quy hoạch khoáng sản, do đó Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh bổ sung vị trí mỏ đất này vào quy hoạch khoáng sản.

Từ tham mưu của hai Sở TN&MT và Xây dựng, ngày 24/2/2011, UBND tỉnh Phú Yên quyết định phê duyệt bổ sung mỏ đất này vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Nhận xét của TTCP về việc này, vị trí mỏ đất trên đã được quy hoạch là đất rừng đặc dụng, thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, nhưng UBND tỉnh Phú Yên bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản là chưa phù hợp quy định tại Điểm 1 Điều 28 của Luật Khoáng sản năm 2010.

Tiếp đó, ngày 4/4/2012 UBND tỉnh Phú Yên cho phép tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác, vừa hoàn tất thủ tục với diện tích 02 ha (nằm trong 16ha tỉnh cho phép).

Lúc này, các cơ quan chức năng của tỉnh chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; ngoài ra tỉnh không yêu cầu tập đoàn Hải Thạch thực hiện tiến hành thăm dò khoáng sản.

Sau đó, ngày 14/11/2012 UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản dẫn đến việc người dân tự khai thác 15 ha rừng trồng thuộc rừng đặc dụng (cây do người dân trồng theo hợp đồng giao khoán).

Những việc làm này của UBND tỉnh Phú Yên đã vi phạm quy định tại Khoản a Điểm 3 Điều 94 Luật Đất đai năm 2003, Điều 31 và Điểm 2 Điều 52 Luật khoáng sản 2010.

Về việc khai thác khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường rừng, qua kiểm tra cho thấy tập đoàn Hải Thạch đã thực hiện sai so với Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp “không thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu trả mặt bằng lại đến đó, không giữ lại phần đất bóc tầng phủ, khai thác quá độ sâu quy định, khai thác vượt trữ lượng”, từ đó tạo ra hiện trường ngổn ngang cát, đá, sỏi, sạt lở, sụt lún, cao độ chênh lệch lớn chưa được san gạt dọn dẹp.

Kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức sai phạm

Từ những sai phạm trên, TTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:

Tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 443/TB-VPCP ngày 20/09/2017, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện phương án sửa chữa các hạn chế, yếu kém và sai phạm. Đồng thời khắc phục những hậu quả nêu trong Báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng (không được điều chỉnh sang đất khác) đối với khu vực mỏ đất có diện tích 16 ha tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa; thực hiện ngay việc phục hồi môi trường, trồng lại rừng theo phương án đã được phê duyệt đảm bảo chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm nêu trên theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.

Yêu cầu tập đoàn Hải Thạch khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi rừng, trồng rừng ngay tại khu vực khai thác mỏ đất 16 ha theo đúng quy định. Ngoài ra phải nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Trung Thi