1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phong tặng danh hiệu anh hùng cho 11 cô gái sông Hương

(Dân trí) - Sáng nay 28/4, tỉnh TT-Huế đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tiểu đội 11 cô gái sông Hương” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng.

Phong tặng danh hiệu anh hùng cho 11 cô gái sông Hương - 1

Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tiểu đội 11 cô gái sông Hương.

 

Tại buổi lễ, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gắn huy hiệu anh hùng lên lá cờ truyền thống anh hùng lực lượng vũ trang tiểu đội 11 cô gái sông Hương, ghi nhận và biểu dương công lao của các chị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm vẻ vang lịch sử dân tộc. Chủ tịch nước nhắc nhở: Bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng với các chị, chúng ta cần học tập và noi theo tấm gương của các chị. Chúng ta phải chăm sóc gia đình những chị đã hy sinh, chăm sóc những chị còn sống. Chúng ta phải góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng XHCN, đó là sự đền đáp đối với những người đã hy sinh và là lời nhắc nhở của 11 cô gái sông Hương…

 

Ngày ấy, 11 cô gái sông Hương nguyên là tiểu đội dân quân xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh TT-Huế. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), tiểu đội của các chị được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch phía bờ nam thành phố Huế.

 

Đêm 30 Tết, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương chia làm ba tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố đánh úp chiếm thành phố khiến địch không kịp trở tay. Sau đó, địch phản công với lực lượng hùng hậu với sự hỗ trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài đổ lên. Vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương, các chị trực tiếp cầm súng đánh giặc.

 

Không chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch. Ngày 12/2/1968, 5 giờ 30 phút, 10 chiếc xe tăng cùng một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ ấm ầm tiếp vào thành phố. Các chị chia làm ba tổ chốt chặn tại Xuân Phú, chợ Cống và một tổ nghi binh. Tiểu đội dân quân Thiên Thuỷ cùng lực lượng bộ đội đã chiến đấu gần 20 ngày đêm giữa lòng thành phố. Trong trận đánh này, bốn chị trong tiểu đội đã anh dũng hy sinh, trong đó có tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên và tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc, khi tuổi đời họ còn rất trẻ.

 

Với chiến công hiển hách ấy, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương thuộc LLVT TP. Huế đã vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi :

 

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương”

 

Sau ngày đất nước thống nhất, các chị lại trở về với cuộc sống đời thường. Những người đồng đội cũ còn lại trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương ngày ấy suốt gần 40 năm chỉ có 4 lần gặp lại nhau vào các dịp kỷ niệm ngày chiến thắng. Các chị Chế Thị Mừng và Nguyễn Thị Xê lấy chồng xa (ở TP Hồ Chí Minh và Nam Định).

 

Hiện ở Huế chỉ còn ba chị. Chị Nguyễn Thị Hoa, nay đã tuổi cao sức yếu, và phải sống chung với những mảnh đạn trên cơ thể. Con trai út của chị 22 tuổi, nhiễm chất độc da cam, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Chị Chế Thị Mừng làm y sĩ ở phòng khám khu vực 3, thành phố Huế, nay đã nghỉ hưu. Chị Hoàng Thị Nở công tác tại Hội nông dân Thành phố Huế, và giữ cương vị Chủ tịch Hội 17 năm (từ 1987 đến 2004) cho đến ngày nghỉ hưu.

 

Huế đã đi vào huyền thoại, với những chiến công hiển hách trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Chiến công của 11 cô gái sông Hương góp phần cùng với quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 25 ngày đêm. Để tuyên dương, ghi nhận công lao cống hiến của tập thể 11 cô gái sông Hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành phố Huế cũng đã dựng bia tưởng niệm và ghi công tại phường Xuân Phú, nơi gắn với những chiến công của họ trong những ngày đánh Mỹ, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá, thắp lửa truyền thống đối với đoàn viên thanh niên và các thế hệ cách mạng.

 

Như Quỳnh