Phòng chống tham nhũng “có tốt đến như vậy”?!

(Dân trí) - Cấp càng cao tham nhũng càng giảm, “trắng” tham nhũng ở một số tỉnh, số vụ truy tố giảm hơn năm trước… là những vẫn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, mổ xẻ…

Báo cáo của Chính phủ cho hay, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước)…
 
Tuy nhiên, tại buổi thảo luận chiều 5/11, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, không thể căn cứ số vụ truy tố giảm để nói tình hình tham nhũng giảm. Chưa hết, xung quanh việc một số địa phương không xử lý vụ tham nhũng nào, ông Xướng đặt câu hỏi, “tình hình có tốt đến như vậy?”.
 
Số vụ tham nhũng chủ yếu ở cấp cơ sở, còn cấp tỉnh, cấp Trung ương ít dần cũng khiến đại biểu này “lăn tăn”. “Phải chăng cấp càng cao càng giảm hay do thủ đoạn tinh vi, liên quan đến nhiều cấp, nhiều người nên khó phát hiện xử lý”, ông Xướng phân tích.
 
Dẫn lại con số tham nhũng giảm 31% đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) bày tỏ băn khoăn, không biết thực tế chúng ta giảm được tham nhũng hay do không phát hiện tham nhũng. “Trình độ phòng chống tham nhũng đã tương xứng chưa khi mà lực lượng tham nhũng rất tinh vi, xảo quyệt?”, ông Kiệt nghi ngại.
 
Phòng chống tham nhũng “có tốt đến như vậy”?! - 1
Vấn đề tham nhũng được các đại biểu "mổ xẻ" từ nhiều khía cạnh
 
Đại biểu Kiệt cho biết, cử tri đặt vấn đề với đại biểu Quốc hội, phải chăng tình hình phòng chống tham nhũng đang thoái trào. Trong phát biểu sau đó, đại biểu Nguyễn Đình Xuân thẳng thắn nhìn nhận, tình hình phòng chống tham nhũng không có những chuyển biến tích cực.
 
“Tôi đồng ý với nhận định của UB Tư pháp, tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu…”, đại biểu Đặng Văn Xướng chia sẻ.
 
Về hướng giải quyết vấn đề, đại biểu Xướng đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc để đánh giá đúng tình hình tham nhũng, từ đó có giải pháp thích hợp cho những năm tới.
 
Mối lo ngại nhất hiện nay được vị đại biểu này đề cập là thái độ bàng quan, sống chung với tham nhũng. “Nhiều người dân sẵn sàng đưa hối lộ để nhanh việc, còn cán bộ công chức quen với việc này, thậm chí nếu không có thì nhắc hoặc nhũng nhiễu. Không ít người vi phạm giao thông sẵn sàng đưa trăm ngàn để nhanh được đi”, ông Xướng phân tích.
 
Ông Xướng cho rằng, cần củng cố niềm tin trong nhân dân bằng cách nói đi đôi với làm. Phát hiện được tham nhũng phải xử nghiêm, đúng pháp luật. Theo ông, việc xử án treo nhiều, cải tạo ít khiến người dân hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng.
 
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, công chức phải công khai tài sản, chứ không chỉ kê khai. “Tất cả những tài sản phải công bố cho nhân dân biết, chức càng to càng phải công khai rõ ràng. Nếu không thì không thể trả lời được cho dân vì sao vị cán bộ nào đó có nhiều ha đất, nhiều biệt thự, con cái xài xe sang, đi du học”, ông Xuân nhấn mạnh.
 
Chuyển sang vấn đề tội phạm nói chung, đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng, căn cứ vào các số liệu từ báo cáo của Chính phủ có thể thấy, tội phạm giảm, nhưng các tội giết người, hiếp dâm trẻ em, lừa đảo lại tăng…
 
Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đà Nẵng) nhìn nhận, tình hình tội phạm 2010 diễn biến phức tạp, thể hiện trên 5 loại tội phạm: buôn bán phụ nữ - trẻ em, bỏ rơi trẻ em mới ra đời, giết người tàn bạo, tội phạm vị thành niên, tội phạm người nước ngoài…
 
Trong khi đó, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, không ít người dân có cảm giác không yên tâm khi ra đường do tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông…
 
Phải cương quyết hơn nữa trong trấn áp tội phạm để người dân ra đường, cho con đến trường không cảm thấy nguy hiểm là mong muốn mà đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) gửi  tới các cơ quan bảo vệ pháp luật.
 
Cấn Cường