Phó Thủ tướng: Mỹ muốn mở Tổng lãnh sự quán ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Mỹ có ý định mở Tổng lãnh sự quán tại thành phố Đà Nẵng. Trước đó, Lào, Trung Quốc và Nga cũng đã mở Tổng lãnh sự quán tại đây.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5/1 ở Hà Nội, phóng viên đã nêu câu hỏi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về việc Trung Quốc đã lập Tổng lãnh sự quán (TLSQ) tại Đà Nẵng, vậy, liệu sắp tới Mỹ có ý định tương tự hay không?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Lập TLSQ ở một nơi nào đó liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, công tác lãnh sự, trong đó có bảo hộ công dân và các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo cách phù hợp với pháp luật.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí ngày 5/1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí ngày 5/1

Quan hệ Việt - Trung là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đến nay Việt Nam đã mở 4 tổng lãnh sự quán tại Trung Quốc. Việc Trung Quốc mở TLSQ tại Đà Nẵng cũng là nhu cầu để phát triển quan hệ hai nước nói chung và giữa Đà Nẵng với các địa phương của Trung quốc nói riêng.

Hiện nay, một tuần có nhiều chuyến bay giữa Đà Nẵng với các thành phố của Trung Quốc, điều này cho thấy nhu cầu hợp tác giữa hai bên là rất lớn.

Chúng ta có các Đại sứ quán ở Hà Nội, các TLSQ tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, Lào và Trung Quốc đã mở TLSQ tại Đà Nẵng và Mỹ cũng có ý định mở TLSQ ở đây. Việt Nam hoan nghênh điều này vì nó có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước với nhau, Phó Thủ tướng nói.

Tình hình Biển Đông vẫn rất phức tạp

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề cập đến tình hình Biển Đông. Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2016, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có hoạt động bồi đắp và mở rộng các đảo đá, từ đảo chìm thành đảo nổi và thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đá.

Trong năm 2016, Tòa Tọng tài ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến yêu sách «Đường lưỡi bò» của Trung Quốc.

Cũng trong năm, các nước ASEAN đã ra tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng khẳng định những diễn biến đáng lo ngại trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá. ASEAN đồng thời cũng tái khẳng định nguyên tắc phải giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Phó Thủ tướng cho hay.

Liên quan đến vụ kiện Philippines và Trung Quốc, Phó Thủ tướng nhắc lại rằng, ngay khi Tòa Trọng tài tiếp nhận vụ kiện vào tháng 12/2014, Việt Nam đã gửi một tuyên bố tuyên bố đến Tòa, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét, đồng thời chúng ta cũng bác bỏ yêu sách «Đường lưỡi bò» của Trung Quốc. Khi Tòa ra phán quyết, Việt Nam cũng có tuyên bố hoan nghênh phán quyết, tái khẳng định lập trường chính thức của ta về vấn đề Biển Đông.

Phó Thủ tướng tái khẳng định chủ trương nhất quán của của Việt Nam là giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hiện, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc về phân định Vịnh Bắc bộ, thương lượng với Indonesia về khu vực thềm lục địa.

Nhận định về vấn đề Biển Đông trong năm 2017, Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình sẽ vẫn diễn biến rất phức tạp và đáng lo ngại.

Thách thức lớn về đối ngoại

Trước câu hỏi Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức đối ngoại gì trong năm 2017 khi tình hình chính trị thế giới gần đây có những thay đổi đáng kể, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, ở các nước sau vài năm lại có sự thay đổi chính quyền và việc thay đổi là đương nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta thúc đẩy quan hệ với một quốc gia theo khuôn khổ quan hệ đã thiết lập trước đó. Vì vậy, đối với một quốc gia có sự thay đổi chính quyền nhưng chúng ta không thay đổi đường lối đối ngoại với quốc gia đó.

“Trong môi trường an ninh khu vực hết sức khó lường trong năm 2017, cần làm sao duy trì được các khuôn khổ đã thiết lập đồng thời tiếp tục đà quan hệ với các nước, nâng cao các quan hệ đó là một thách thức lớn với chúng ta, nhất là khi có sự thay đổi chính quyền ở một số nước”, Phó Phủ tướng trao đổi với báo giới về điều mà ông trăn trở nhất trong công tác đối ngoại năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2016, trước những biến động khó lường ở khu vực và thế giới, Việt Nam đã có những đối sách phản ứng, bày tỏ thái độ và thực hiện chính sách phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vấn đề chúng ta chưa đạt được như mong muốn.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, “Trong các chuyến thăm cấp cao, chúng ta ký được nhiều thỏa thuận, hiệp định, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Điều quan trọng nữa là cần làm sao cho doanh nghiệp và người dân hiểu và thực hiện tốt các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết đó”.

Nam Hằng