Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn bàn cách ứng phó bão số 10

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, trưa 29/9, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão này. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Diễn biến và đường đi của cơn bão số 10 (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ)

Diễn biến và đường đi của cơn bão số 10 (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ)
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tất cả các địa phương phải thực hiện rà soát lại các khu vực phải sơ tán dân, phải thực hiện sơ tán dân khỏi các vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, có nguy cơ bị lũ quét vào trước 10 giờ ngày 30/9. Đối với các công trình công nghiệp, công trình văn hóa xã hội và nhà dân phải thực hiện tất cả các công việc chống bão. Đối với công tác kiểm tra các hồ chứa, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương thường xuyên kiểm tra, thông báo đến các địa phương hồ chứa yếu kém, thông báo liên tục và phải có giải pháp ứng phó.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các địa phương ở khu vực miền Trung tiếp tục huy động mọi lực lượng hỗ trợ bà con thu hoạch vụ lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Với diện tích cây vụ đông đã gieo trồng, cần phải triệt để tiêu rút nước đệm, không để xảy ra tình trạng úng ngập ảnh hưởng đến mùa vụ. Bộ Công an có công điện chỉ đạo công an, cảnh sát giao thông các địa phương nghiêm túc giám sát, lập chốt tại các ngầm, tràn xung yếu, nghiêm túc yêu cầu các phương tiện giao thông lưu thông khi không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thuốc men để ứng phó nếu xảy ra tình trạng chia cắt do bão.

 

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 là một cơn bão diễn biến phức tạp, càng đi vào gần bờ cường độ càng mạnh và cấp độ di chuyển càng nhanh. Bão số 10 có khả năng là cơn bão mạnh nhất từ năm 2006 đến nay đi vào khu vực miền Trung nước ta. Khoảng chiều và đêm mai (30/9) bão sẽ đi vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với gió giật mạnh và mưa to.

 

Hồi 10 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển khu vực các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 1/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 103,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

 

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều nay (29/9) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (30/9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.

 

Thanh Tuấn
 TTXVN