Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận

(Dân trí) - Hàng loạt nhà máy năng lượng tái tạo phải giảm công suất, ước tính thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng trong 6 tháng. Trước đề xuất xây dựng nhà máy điện mặt trời kết hợp trạm biến áp và đường dây 500KV để giải tỏa hết công suất nguồn điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương đưa vào quy hoạch để trình Thủ tướng, xem xét phê duyệt.

Thiệt hại 500 tỷ đồng trong 6 tháng vì giảm phát điện

Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình phát triển điện lực và các kiến nghị liên quan đến giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị xây dựng đường dây 500KV để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió tại địa phương vì giảm phát điện gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Báo cáo đoàn công tác, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 2.000MW điện mặt trời địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.817MW, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 18 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 1.180MW gồm 15 dự án điện mặt trời (1.063MW), 3 dự án điện gió (117MW). Các nhà máy năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cho biết, có 10/18 dự án (359MW) với tổng vốn đầu tư 10.504 tỷ đồng, phải giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng nếu tình hình tiếp tục kéo dài những năm tiếp theo sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và thu ngân sách địa phương.

Tính đến ngày 30/6, lượng điện giảm phát khoảng 23,2 triệu KWh với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu KWh, tương đương con số thiệt hại là hơn 479 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận - 2

Phó Thủ tướng thăm dự án năng lượng tái tạo của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam

Ông Lưu Xuân Vĩnh cho biết hiện nay khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng được 800MW, trong khi đó hiện nay có khoảng 1.180MW dự án năng lượng tái tạo vận hành, làm quá tải lưới điện 110KV, khiến các nhà máy phải giảm phát.

Theo ông Vĩnh, hầu hết các dự án đầu tư công trình lưới điện 110KV, 220KV theo quy hoạch điều chậm tiến độ, do đó việc giải tỏa công suất 2.000MW đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp hạ tầng truyền tải trạm biến áp 500KV Thuận Nam và đường dây đấu nối (đến Vĩnh Tân – Bình Thuận) do nhà đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam) đề xuất.

Cụ thể, sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Bộ Công Thương cũng có văn bản thống nhất với cơ chế đầu tư dự án này. Ông Vĩnh cho rằng đầu là giải pháp cấp bách trong việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.

Xây dựng đường dây 500KV là giải pháp cấp bách

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng xây dựng đường dây 500KV Thuận Nam – Vĩnh Tân để đấu nối vào lưới điện quốc gia là rất cấp bách.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận - 3

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng xây dựng đường dây 500KV là rất cấp bách

Ông cho biết Bộ Công Thương đã họp lấy ý kiến các bộ ngành, đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Đây là phương án nên làm. Xậy dựng đường dây 500KV dài 27km kết nối Thuận An với Vĩnh Tân để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời hiện tại và sau này.

“Đây là giải pháp tháo gỡ, giải tỏa công suất các nhà máy. Phải làm nhanh mới kịp. Đây là giải pháp xã hội hóa và sẽ được báo cáo Thủ tướng trong tuần sau để giải quyết sớm cho các nhà máy trong tương lai và hiện hữu. Trung Nam phải cam kết về tiến độ, kỹ thuật và trong thời gian chưa bàn giao cho EVN phải cho phép các nhà máy khác đấu nối”, ông An nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận - 4

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân ủng hộ đề xuất của tỉnh Ninh Thuận và sẵn sàng vận hành đường dây 500KV

Trong khi đó, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong suốt thời gian qua, EVN tích cực cùng tỉnh Ninh Thuận bàn việc giải tỏa công suất cho các nhà máy. EVN cam kết đến cuối năm 2020 giải tỏa hết công suất các nhà máy vận hành trước 30/6/2019. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay sẽ không đảm bảo giải tỏa công suất như mong muốn, ước tính thiệt hại hơn 900 tỷ đồng/năm.

“Tất cả công trình hiện nay EVN triển khai vẫn đảm bảo giải tỏa công suất nhưng không thể nhanh được. Đường dây 220KV không có công trình nào dưới 3 năm, còn đường dây 500KV thì không có công trình nào dưới 5 năm cả. Đây là thực tế, doanh nghiệp Nhà nước tuân thủ quy định nên tiến độ không nhanh”, ông Nhân nói.

Nói về đường dây 500KV, ông Nhân cho biết, khi hoàn thành EVN sẵn sàng đảm nhận vận hành mà không tính chi phí. EVN ủng hộ chủ trương đối với cơ chế đầu tư nhà máy điện cùng đường dây truyền tải.

“Chúng tôi nghĩ đã đến lúc để các nhà đầu tư tư nhân làm chuỗi các công trình năng lượng tái tạo, điều tải để bán hết điện. Chứ thời gian qua, dự án năng lượng sạch rất nhanh nhưng mà quy hoạch không đồng bộ, tốn cả năm mới bổ sung quy hoạch rồi mới đầu tư xây dựng công trình nên bị chậm”, ông Nhân thảng thắn.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EVN chủ động thực hiện các dự án, đảm bảo truyền tải, phân phối điện, bán điện và an toàn hệ thống lưới điện.

“Nguồn điện thì nhiều người làm nhưng truyền tải điện và phân phối điện, bán điện thì EVN được Nhà nước giao. Nhà nước độc quyền quản lý vì liên quan an toàn hệ thống điện, độc quyền là ở chỗ đó chứ không độc quyền đầu tư. Thực tế chúng ta vẫn cho doanh nghiệp làm từ nhà máy đến điểm đấu nối”, ông Dũng nói.

Do đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị EVN phối hợp nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư nguồn điện gắn với đầu tư đường dẫn từ nhà máy đến điểm đấu nối.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải tỏa nguồn năng lượng sạch tại Ninh Thuận - 5

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung dự án vào quy hoạch điện quốc gia đề trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cùng EVN khẩn trương đẩy nhanh công việc liên quan đến dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời kết hợp làm trạm, đường dây 500KV. Trong đó, quan trọng nhất là đưa dự án vào quy hoạch điện quốc gia để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.

“Đường dây 500KV dài 27km, trong khi ta không có tiền đầu tư mà tư nhân bỏ tiền làm mà chúng ta từ chối thì có khôn ngoan không? Chú ý làm vừa đúng pháp luật và đảm bảo phát triển điện lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dương Phong