Khánh Hòa:

Phó Giám đốc Sở bị phản ứng vì nói “lâm tặc chở nhà báo vào rừng”

(Dân trí) - Chiều 25/4, trao đổi với báo giới, Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị vừa nhận đơn của 3 phóng viên tại Khánh Hòa kiến nghị xử lý Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này vì cho rằng ông này đã có “hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo”.


Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bị tàn phá (Ảnh: X.C.).

Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bị tàn phá (Ảnh: X.C.).

Theo đơn trình bày của phóng viên N.Đ.Q (báo Tiền Phong), N.T.C (báo Thanh Niên) và L.X.H (báo Văn Hóa), trước đó, vào ngày 6/3/2017, sau khi nhận được tin báo của người dân, 3 phóng viên đã tự chạy xe máy vào hiện trường ghi nhận về tình trạng khai thác gỗ trái phép trong khu vực rừng ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh).

Khi được phóng viên cung cấp thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh xác nhận khu vực rừng có gỗ bị khai thác trái phép là tiểu khu 205, rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Phú. Đến lúc đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa mới biết có tình trạng phá rừng lấy gỗ trái phép tại đây. Tiếp đó, 3 phóng viên đã phản ánh sự việc khai thác gỗ trái phép ở tiểu khu 205 lên báo.

Vào ngày 11/4/2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về nội dung trên.

Tại buổi làm việc ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phát ngôn như sau: “Rừng mênh mông như thế, sâu như thế, tại sao nhà báo phát hiện được? Tôi ở trong ngành, tôi biết. Bởi vì chúng tôi đã tập trung truy quét trước, trong và sau Tết, số gỗ đó chính chủ rừng và chúng tôi phát hiện trước, đang vận chuyển về. Những người khai thác gỗ trái pháp luật đó mới gọi nhà báo đến, chở bằng xe honda lên rừng để quay phim”.

Các phóng viên cho rằng, phát ngôn nói trên của ông Kiệt khiến mọi người hiểu rằng phóng viên được lâm tặc đưa lên rừng để quay phim, chụp ảnh gỗ bị khai thác nhằm phục vụ ý đồ của lâm tặc, làm theo ý lâm tặc.

Sau phát ngôn của ông Kiệt, trong đơn của mình, 3 phóng viên cho biết đã liên lạc với ông này, đề nghị gặp gỡ để trao đổi nhưng ông Kiệt không trả lời. Ngoài ra, các phóng viên cũng đã trình bày nội dung vụ việc với lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thông tỉnh Khánh Hòa. Các phóng viên có liên quan bày tỏ mong muốn ông Kiệt "nói lại cho rõ". Tuy nhiên, ông Kiệt không có hồi âm.

“Phát ngôn của ông Nguyễn Tuấn Kiệt đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các phóng viên. Đây là hành vi bị nghiêm cấm, theo quy định ở Khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí”, đơn của 3 phóng viên cùng ký tên, trình bày.

Trước sự việc nêu trên, 3 phóng viên đã làm đơn gửi Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa, trong thẩm quyền của mình, căn cứ quy định của Luật Báo chí và quy định của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, xem xét xử phạt ông Kiệt, buộc ông này phải xin lỗi các phóng viên phản ánh vụ phá rừng nói trên.

Liên quan đến sự việc này, trước đó, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh, ông Kiệt nên xin lỗi các phóng viên vì “không có bằng chứng gì mà nói phóng viên được lâm tặc chở vào rừng quay phim, chụp ảnh…”.

Viết Hảo