TPHCM:

Phố đi bộ xuống cấp quá nhanh chỉ có thể do... làm ẩu?

(Dân trí) - Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, việc phố đi bộ Nguyễn Huệ hư hỏng nhiều chỗ như hiện nay một phần do đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, không lường hết các yếu tố tác động khi công trình đi vào sử dụng. Tuy nhiên ông khẳng định, mới 1 năm mà đã hỏng như thế thì chỉ có thể là do... làm ẩu!

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được khánh thành vào ngày 30/4/2015. Sau 1 năm được đưa vào sử dụng, con đường lát đá hoa cương này đã xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng, đá mẻ các góc, hố ga trồi lên, ổ điện ngầm biến mất...


Phố đi bộ Nguyễn Huệ đẹp lung linh ngày khánh thành

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đẹp "lung linh" ngày khánh thành

Là người nhiều năm làm ngành cầu đường, hiện đang giảng dạy bộ môn cầu đường tại một số trường đại học, ông Phạm Sanh hết sức bất bình trước tình trạng này. Bởi theo ông, thiếu kinh nghiệm là 1 chuyện, còn việc công trình xuống cấp quá sớm như thế chỉ có thể là do làm ẩu (?!)

PV Dân trí đã có buổi trao đổi cùng ông Phạm Sanh về vấn đề này:

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc phố đi bộ Nguyễn Huệ xuống cấp quá nhanh như vậy dù ban đầu được tung hô là công trình có độ bền trăm năm?

Không phải đến bây giờ phố đi bộ Nguyễn Huệ mới xuất hiện hư hỏng như báo chí phản ánh mà các dấu vết hư hỏng đã có từ cả tháng trước. Hiện có 3 dạng hư hỏng chủ yếu. Thứ nhất là mặt hố ga trồi lên cao hơn mặt đường. Thứ hai là các thiết bị điện âm dưới đường biến mất. Thứ 3 là vết tì, mẻ, vênh, nhô cao... của các viên đá hoa cương lát mặt đường.

Những hư hỏng này có thể dự đoán từ trước, khi mà đơn vị thi công chọn phương án dán kín các viên đá hoa cương trên nền sàn bê tông. Đó là 2 dạng vật liệu khác nhau, độ co giãn do yếu tố nhiệt khác nhau nên việc bị rạn nứt rất bình thường khi chúng được dán khít với nhau. Có thể thấy rõ nhất ở vị trí mặt đường tiếp giáp với hố ga. Việc co giãn khác nhau giữa các vật liệu đã đẩy mặt hố ga lên cao hơn mặt đường.

Ngay từ đầu, việc chọn đá hoa cương làm đường đã là 1 lựa chọn khó khăn. Vì đây là 1 dạng vật liệu sang trọng nhưng chỉ thích hợp thi công trong nhà, nơi nền nhiệt độ ổn định, không thay đổi quá nhiều và chủ yếu thi công diện tích nhỏ. Ở đây, chúng ta thi công mặt đường ít bóng cây che, diện tích thì bao la.

Tuy nhiên, dù phương án thi công không phù hợp do nhà thầu thiếu kinh nghiệm là khởi nguồn của những hư hỏng hiện nay, nhưng mới dùng có 1 năm đã hư thì chỉ có thể là do làm ẩu, chạy theo tiến độ khánh thành công trình chứ không gì khác được!

Việc thành phố bố trí 2 làn ô tô chạy trên phố đi bộ này có góp phần làm đường nhanh xuống cấp không thưa ông?

Ở nước ngoài, ô tô chạy trên phố đi bộ lát đá hoa cương rất bình thường. Thậm chí như đại lộ Champs-Élysées (Pháp) chủ yếu là cho xe chạy, khi có lễ hội người ta mới ngăn xe làm phố đi bộ mà hoạt động hơn cả trăm năm nay có sao đâu. Nó còn dài, rộng hơn cả phố Nguyễn Huệ.

Vậy thiết kế của các đại lộ lát đá hoa cương đó khác gì với đường Nguyễn Huệ?

Lỗi là ở nhà thầu đã dán kín các viên đá hoa cương trên nền bê tông. Như đại lộ Champs-Élysées người ta lát đá hoa cương trên nền cát dầm chặt, nối kết với nhau bằng ron. Nó cũng có hư hỏng nhưng người ta dễ dàng thay thế các viên đá bằng các dụng cụ đơn giản.

Còn ở đây ta đã dán kín thì chỉ có thể phá vỡ mới thay thế được viên mới. Mà có khi muốn thay 1 viên phải phá 1 hàng, 1 mảng. Ai đã từng làm xây dựng thì đều biết khi thay thế các viên gạch bông, viên đá trên nền sàn. Khi đó, chưa kể chi phí bảo dưỡng, bảo trì, thay thế cao mà phố đi bộ còn có thể biến thành chiếc áo vá chằng, vá đụp vì các mảng đá khác màu, khác vân...

Không phải đổ bê tông, dán kín là chắc. Không phải cứ đầu tư nhiều tiền, dùng vật liệu đắt là sang. Tôi cũng rất nghi ngại khi con đường này lúc xây dựng là chỉ định thầu mà không phải là đấu thầu theo quy định. Việc cố làm nhanh cho kịp ngày khánh thành vào đúng dịp lễ lớn cũng cần phải xem xét kỹ.

Theo tôi, thành phố phải kiểm tra, làm rõ việc này. Bởi muốn xây dựng TPHCM thành một thành phố đáng sống mà để 1 công trình làm ăn "bầy hầy" như vậy ngay tại trung tâm thành phố mà không xử lý rõ ràng thì coi sao được!

Vâng, xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên (ghi)