Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo lắng tình trạng “quân xanh-quân đỏ”

(Dân trí) - Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng)-Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, do pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực nên tình trạng thông đồng, “quân xanh-quân đỏ” trong hoạt động đấu giá.

 

Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

 

Thảo luận tại hội trường ngày 19/11 về dự án Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng)- Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, do pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực nên tình trạng thông đồng, “quân xanh-quân đỏ” trong hoạt động đấu giá, làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Với kinh nghiệp trong quá trình lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đấu thầu dự án theo Luật đấu thầu, đại biểu Nam khẳng định tình trạng thông thầu xảy ra thường xuyên và bất luận doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết nhưng vẫn xem xét đúng quy trình thủ tục theo luật.

“Tôi đề nghị dự án luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để những chỗ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật pháp có liên quan khác”- ông Nam nói.

Ông Nam dẫn chứng: Ở một địa phương giao cho một trung tâm đấu giá 3 ha đất, tiêu chí đưa ra đấu giá là phải quy hoạch khu này thành trung tâm thương mại. Giá khởi điểm là 30 triệu đồng. Các nhà đầu tư nghiên cứu thấy không khả thi. Một nhà đầu tư khác được chỉ định mua hồ sơ để đấu giá dự án. Sau khi mua, nhà đầu tư xin chuyển đổi mục đích, từ trung tâm thương mại chuyển đổi thành chia lô, thành khoảng 6 lô, mỗi lô 5.000m2 được xây dựng chung cư và xây dựng khách sạn.

“Từ 30 triệu đó trở thành 60 triệu, thay đổi một quy hoạch để trong khi đưa ra đấu giá bẫy các nhà đầu tư khác. Đây là vấn đề tôi nghĩ ban soạn thảo phải nghiên cứu. Làm thất thoát đi tài sản của nhà nước, mất đi biết bao nhiêu tiền ngân sách. Quốc hội vừa qua đang thảo luận về thất thu ngân sách. Đây chính là kẽ hở trong Luật đấu giá”- ông Nam nhận xét.

Theo đại biểu Nam, nếu đưa ra tiêu chí và đấu giá đúng như quy định thì phải làm đúng theo quy hoạch và thiết kế như ban đầu. Còn nếu chúng ta đưa ra mà không làm đúng, khi có điều chỉnh quy hoạch do một lý do nào đó khách quan, phải bắt buộc nhà đầu tư nộp thêm tiền vào ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nêu thực tế, có trường hợp đấu giá viên thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, doanh nghiệp đấu giá tài sản, có hành vi cản trở người tham gia hoặc mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Từ đó xuất hiện tình trạng thông đồng, dìm giá, "cò" đấu giá trong các phiên đấu giá, nhất là đấu giá tài sản Nhà nước. Chính vì thế phải tăng cường công tác kiểm tra và có chế tài xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật, thậm chí xử lý hình sự những hành vi này.

Đại biểu Lâm đề cập đến trường hợp khó bàn giao tài sản khi đấu giá tài sản thi hành án để đề xuất yêu cầu luật phải quy định chặt chẽ quyền của người trúng đấu giá, trách nhiệm của cơ quan bán đấu giá...

Đấu giá nợ xấu: Không nên xem là cá biệt

Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) lưu ý chuyện đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ mà công ty quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng. Hiện nay công ty VAMC đang nắm giữ một khối lượng lớn nợ xấu tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu không thể bán được, vì chưa có luật điều chỉnh và vì nhiều thủ tục phức tạp.

“Tôi nhất trí với việc đưa đối tượng này vào điều chỉnh của luật và giao cho Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu. Đây là lĩnh vực mới chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để Chính phủ quy định sẽ tạo sự cơ động và linh hoạt”- ông Thoáng nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) dẫn báo cáo của Chính phủ: từ năm 2013 đến hết tháng 9/2015, VAMC đã mua về hơn 191.000 tỷ đồng, trong khi đó mới xử lý được gần 15.000 tỷ - tức bằng khoảng 7,7% tổng nợ xấu mua về. Trong số này, bán nợ xấu chỉ được khoảng 2.800 tỷ (bằng 1,46%) và bán tài sản đảm bảo chỉ được 1.100 tỷ (bằng 0,58%).

“Qua số liệu này chúng ta thấy kết quả đạt được quả là con số rất nhỏ, làm lãng phí đi một nguồn lực của đất nước. Tôi cho rằng nợ xấu này vẫn là một cục máu đông, làm ảnh hưởng đến việc đưa nguồn vốn của ngân hàng bơm ra nền kinh tế”- ông Thoáng nói.

“Tôi cho rằng để việc xử lý nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả, góp phần sớm lành mạnh hóa các hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế thì nên thiết kế luôn trong Luật Đấu giá tài sản một chương riêng về hoạt động đấu giá của VAMC, trong đó có quy định đầy đủ trình tự, thủ tục, hồ sơ, giá khởi điểm giám định tài sản, cơ quan được tham gia đấu giá”- ông Thoáng đề xuất.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị Quốc hội phê chuẩn phương án quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của công ty VMC, của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành một chương riêng trong dự thảo luật.

 

Đại biểu Phạm Huy Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Phạm Huy Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank (Ảnh: Quochoi.vn).

 

Ông Hùng nhìn nhận cơ chế vận hành của VAMC chưa thực sự rõ ràng nhằm bảo đảm việc xử lý, giải quyết nợ xấu, tài sản bảo đảm nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật, giúp cải thiện tình trạng hoạt động của các tổ chức tín dụng đang có nhiều khó khăn hiện nay.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) khẳng định trong lâu dài, bất cứ nền kinh tế nào cũng có nợ xấu. Chính vì thế việc này phải có chế định để xử lý một cách bình thường, không nên xem đó là cá biệt.

 

Đề xuất bổ sung đấu giá biển số xe

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá khái niệm đấu giá tài sản nêu trong dự thảo luật chưa bao quát hết ưu việt của việc bán đấu giá tài sản. Bởi vì bán đấu giá tài sản là hình thức bán và mua tài sản công khai, theo đó thì các tài sản và quyền tài sản được bán cho người trả giá cao nhất.

Về tài sản đấu giá, ông Ngân cho rằng cần xem xét bổ sung thêm tài sản vô hình và lợi thế thương quyền. Đặc biệt trong kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì tài sản vô hình và loại thế thương quyền sẽ ngày càng phát triển.

“Hôm trước khi thảo luận tổ, tôi có ra bên ngoài thì một số đại biểu nói là ngay cả biển số xe là một tài sản vô hình có thể đấu giá đem lại tài sản cho Nhà nước”- ông Ngân đề xuất.

Thế Kha