Phát hiện ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam

Chi cục Hải Quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, tình trạng một số DN, đại diện DN có yếu tố nước ngoài lợi dụng đường hàng không để nhập khẩu các văn hóa phẩm, ấn phẩm xuất bản có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang gia tăng.

Qua công tác kiểm tra, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong thời gian vừa qua đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc các doanh nghiệp nhập khẩu các ấn phẩm xuyên tạc, vi phạm chủ quyền biển đảo của nước ta.

 

Các ấn phẩm xuất bản này được phát hiện chủ yếu có chứa hình ảnh và nội dung vi phạm về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng hơn những ấn phẩm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam nhằm mục đích sử dụng trong giảng dạy và học tập.
 
Bìa sách có chứa nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Bìa sách có chứa nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

 

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) đã liên tiếp phát hiện hai doanh nghiệp nhập khẩu traí phép các ấn phẩm xuất bản trên vào nước ta.

 

Theo đó, qua các phương pháp kiểm tra hàng hóa nhập, đơn vị đã phát hiện Cty TNHH Song Lân Bảo, địa chỉ tại (35 Nguyễn Phi Khanh, Q1, TP. HCM), nhập khẩu 108 cuốn sách “Tiếng Hoa dễ học” ( bài tập 2 giáo khoa tiếng hoa) có in bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, là hàng hóa cấm nhập khẩu theo Giấy xác nhận nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh số 10895/GXN-STTTT ngày 04/10/2012 của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM.

 

Tiếp sau vụ việc trên, đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện Cty TNHH Trường quốc tế Úc Sài Gòn, địa chỉ tại (36 Thảo Điền, P.Thảo Điền, Q2, TP.HCM), nhập khẩu 94 cuốn sách có tên “STAGE 4 WORLD” và “STAGE 4 GLOBAL GEOGRAPHY”.

Trong đó, nội dung của một số trang có in các bản đồ về vùng biển Đông của Việt Nam được ghi thành SOUTH CHINA SEA (dịch là Biển Nam Trung Quốc), vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam.

 

Lô sách trên thuộc vào loại hàng hóa cấm nhập khẩu (theo Giấy xác nhận nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh số 11198/GXN-STTTT ngày 12/10/2012 của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM .

 

Chi cục đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với 02 công ty trên về hành vi đưa hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam và tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xử lý theo quy định.

 

Theo Thùy Trang

Petrotimes