Phát hiện 329 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền trong năm 2018

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 15.200 văn bản quy phạm pháp luật (giảm 47% so với năm 2017). Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 329 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 676 văn bản so với năm trước).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung kiểm tra việc xử lý văn bản trái pháp luật; tổ chức đánh giá, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.

“Qua đó, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, kịp thời hơn trong việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Riêng tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.087 văn bản và đã ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 66 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền”- Bộ này cho hay.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch, kết hợp với việc tập huấn rà soát, hệ thống hóa cho các tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ; TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của các Sở Tư pháp.

Toàn ngành đã tập trung rà soát được gần 44.000 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 6.104 văn bản. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã thực hiện pháp điển và thẩm định các đề mục; trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển các chủ đề: Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ; Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng; Tiền tệ và tổng số 51 Đề mục của Bộ pháp điển.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, tình trạng xin lùi, rút dự án ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn khá nhiều. Một số dự án chưa được nghiên cứu, chuẩn bị thấu đáo, chưa tạo được sự đồng thuận chung.

Số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực vẫn còn (hiện nay còn nợ 6 văn bản). Tính khả thi của một số quy định trong hệ thống pháp luật còn thấp; việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật còn là thách thức lớn.

“Việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chưa hiệu quả. Vẫn còn cơ quan ban hành văn bản chưa thực hiện nghiêm việc gửi văn bản đến Bộ Tư pháp để phục vụ việc kiểm tra theo thẩm quyền. Vẫn còn khá nhiều văn bản trái pháp luật chưa được xử lý kịp thời; việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra còn gặp khó khăn, nhiều trường hợp chưa thực hiện được”- Bộ Tư pháp nhận định.

Thế Kha