Phải xử lý thủ trưởng cơ quan hành chính “lười” tiếp dân

(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí trong cuộc trao đổi đầu năm, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - trăn trở vì chế tài, hình thức xử lý kỷ luật đối với thủ trưởng cơ quan hành chính “lười” tiếp dân đến nay vẫn chưa rõ, cần phải thay đổi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ.

Trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ có những giải pháp đột phá gì để giải quyết dứt điểm những vụ việc người dân khiếu nại, tố cáo kéo dài?

Phải nói rằng trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã làm khá tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực sự đã đi vào “chất”. Luật tiếp công dân ra đời đã thay đổi được diện mạo, “khuấy” được trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo khá quyết liệt, tập trung vào những nổi cộm nhất trong tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài. Đó thực sự là những tồn đọng bao nhiêu năm, giải quyết qua bao nhiêu thế hệ rồi mà người dân vẫn chưa nghe. Người dân chưa nghe có nhiều dạng: lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ giải quyết nhưng cũng có lỗi từ cơ chế chính sách pháp luật mà nay mình không áp dụng lại được.

Bước hai là đối với những vụ việc mới phát sinh trong thời gian ngắn gần đây nhưng đông người, phức tạp thì phải tập trung giải quyết.

Bước thứ ba là giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền. Thời hạn người ta quy định là 3 ngày thì anh (cơ quan, đơn vị giải quyết khiếu nại, tố cáo - PV) phải tập trung giải quyết, bởi nếu không giải quyết được thì lại trở thành tồn đọng.

Một trong những vấn đề lớn của Thanh tra Chính phủ trong năm 2015 mà tôi đang đặt ra là phải nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Bởi vì luật quy định rất rõ việc giải quyết khiếu nại tố cáo là của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, Thanh tra Chính phủ chỉ là cơ quan quản lý về giải quyết khiếu nại tố cáo chứ không phải cơ quan giải quyết. Nếu cứ để Thanh tra Chính phủ giải quyết thì dù có 500, 700 hay 1.000 người thì cũng không giải quyết được.

Vậy giải pháp của nó là gì? Đó là tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp. Thanh tra ở đây không phải là đến nêu ra vấn đề, mà phải có xử lý những thủ trưởng vi phạm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Nhưng qua các cuộc thanh tra trong năm 2014 Thanh tra Chính phủ đã phát hiện khá nhiều lãnh đạo địa phương “lười” tiếp dân, bỏ rất nhiều cuộc tiếp dân nhưng chế tài xử lý thì gần như không thực hiện được?

Đúng là chế tài của chúng ta chưa nói cái này. Bỏ bao nhiêu cuộc tiếp dân, bỏ bao nhiêu tháng tiếp dân thì hình thức xử lý kỷ luật thế nào thì chưa rõ. Anh tổ chức tiếp công dân không hợp lý, trụ sở tiếp công dân không đủ điều kiện, con người tiếp công dân không đủ phẩm chất thì xử lý thủ trưởng thế nào thì chưa có. Chúng ta chỉ nói nâng cao trách nhiệm chung chung thôi.

Tôi cho rằng phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi đi thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, bởi chế tài có rồi, phải làm rõ để xử lý thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải có bản lĩnh. Muốn làm việc này phải có chế tài cụ thể.

Năm 2014 ghi nhận nhiều sự việc người dân khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm trời nhưng chỉ qua một buổi tiếp dân của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ hoặc Thanh tra Chính phủ đã được giải quyết ngay. Có rất nhiều sự việc cực kỳ đơn giản, chứng cứ rõ rành rành ra đấy nhưng các cấp vẫn cứ đùn đẩy giải quyết lên cấp trên. Là người trực tiếp theo dõi công tác giải quyết, khiếu nại tố cáo, theo ông, năm nay phải làm thế nào để khắc phục chuyện này ?

Cái chính là phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính các cấp, gắn trách nhiệm của họ theo luật, để từ đó giáo dục cán bộ tiếp dân phải có tâm với dân, có lòng với dân, phải thấy quyền lợi của dân như quyền lợi của chính mình thì mới được. Còn thấy quyền lợi của dân nhưng cứ kệ họ, cứ khăng khăng ý trí của mình thì không được. Mà trong thực tế chuyện như thế không phải là ít.

Sau khi giải quyết dứt điểm các sự việc và thấy người dân phản ánh, tố cáo đúng thì Thanh tra Chính phủ có kiến nghị xử lý kỷ luật các cán bộ cấp cơ sở đã từng trực tiếp giải quyết vụ việc đó hay không?

Cái đó là đương nhiên. Sau khi làm rõ sai phạm thì phải kiến nghị xử lý trách nhiệm của những cán bộ xử lý vụ việc ở cấp cơ sở.

Hiện nay tôi đang giải quyết một sự việc ở Thanh Hóa mà báo Dân trí đã phản ánh. Một người dân nhận ruộng của nhà nước giao mà cấp huyện, cấp xã, cấp thôn lợi dụng chính sách để đuổi người dân đi chỗ khác, đưa người khác về, rồi xảy ra đánh đập nhau,… nhưng các cơ quan cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới không thực hiện vì ý thức chấp hành pháp luật kém.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (thực hiện)