Bình Định:

Ở nơi chăm sóc những người khóc cười vô cớ

(Dân trí) - Tiếng la hét lẫn trong tiếng khóc cười hỗn độn, thậm chí họ còn hành hung những nhân viên chăm sóc. Đó là chuyện thường ngày diễn ra tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).


Chốn dừng chân của người tâm thần

Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) có hơn 500 bệnh nhân tâm thần ở trong và ngoài tỉnh. Người bệnh ở đây chủ yếu là người nghèo, gia đình không có điều kiện để chăm sóc, người lang thang không có người thân chăm sóc, số ít người lâu lâu mới có người thân vào thăm nuôi.

Cuộc sống của những người tâm thần
Những bệnh nhân bị tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)

Nơi đây chính là ngôi nhà chung cho những bệnh nhân tâm thần mà người đời vẫn quen gọi bằng giọng kỳ thị “người điên” nương thân đến cuối đời. Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người bệnh, chúng tôi mới phần nào hiểu được thế giới hoàn toàn khác so với những nơi chăm sóc bệnh nhân bình thường.

Mỗi người bệnh có một kiểu biểu hiện, người thu mình trong góc tối của căn phòng, người lang thang trong khuôn viên miệng thao thao bất tuyệt những từ khó hiểu; có người la hét, lên cơn điện dại, đập phá bàn ghế... 

Dẫn chúng tôi vào thăm khu chăm sóc dành cho những bệnh nhân nam, anh Võ Khánh Hảo (29 tuổi, quê tận xã An Hòa, huyện An Lão) - nhân viên trợ giúp, chăm sóc người bệnh tại trung tâm nói: “Ở đây là vậy! Lúc bình thường bệnh nhân cũng ngồi trò chuyện vui vẻ hay bàn luận những bộ phim, thông tin trên báo chí. Nhưng khi lên cơn họ cũng hung dữ quậy phá, bệnh nhân cự lộn với nhau là chuyện xảy ra thường ngày. Thậm chí, nhân viên chăm sóc còn bị chửi mắng, hành hung là bình thường. Những lúc đó, mình phải mềm mỏng, nắm được tâm lý người bệnh mà khuyên can họ”.

Qua những câu chuyện mà các cán bộ đang công tác tại trung tâm kể thì mỗi người bệnh có những nỗi niềm riêng. Có người học nhiều quá rồi cũng phát bệnh, có trường hợp do bi quan từ những việc xảy ra trong cuộc sống dẫn đến bệnh trầm cảm rồi thành người điên khi nào chẳng hay. Dù vậy, khi tâm trí bình tĩnh họ cũng ao ước về tương lai, hạnh phúc như bao người bình thường.

“Có bệnh nhân tên Th. có vợ con đàng hoàng, sau tai nạn giao thông chấn thương sọ não để lại di chứng khiến anh thành người khùng khùng ảnh hưởng tới vợ con, hàng xóm xung quanh. Khi mới vào trung tâm, anh T không tiếp xúc với ai, lánh mặt mọi người. Thế nhưng, khi bình tâm anh cũng tâm sự về ước mơ được quay lại làm nghề thợ hồ như trước đây. Nhưng ước mơ lớn nhất là được bình phục trí nhớ để về nhà chăm lo cho vợ con”, anh Hảo kể lại.

Nơi sẻ chia yêu thương

Đến Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, ngoài sự cảm thông với những mảnh đời mang trong mình căn bệnh xã hội này. Ở đây, còn có tình yêu thương của đội ngũ cán bộ trung tâm, nhất là sự nhẫn nại của những nhân viên trực tiếp chăm sóc cho người bệnh. Ở họ không chỉ có bản lĩnh, có một tinh thần “thép” mà còn có trái tim biết sẻ chia nỗi đau với người bệnh.

Cuộc sống của những người tâm thần
Việc chăm sóc, trợ giúp cho những bệnh nhân nam luôn là vấn đề khó khăn với cán bộ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn

Tốt nghiệp chuyên ngành Lao động tiền lương – Bảo trợ xã hội, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hảo (ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) không nghĩ chị sẽ gắn bó với việc chăm sóc người bệnh tâm thần. “Học xong trở về quê mình không nghĩ sẽ xin vào làm việc tại trung tâm. Ban đầu mình chưa hình dung công việc ra sao nên khi tiếp xúc cũng hơi sợ, nhưng lâu rồi thành quen. Thực ra, người tâm thần ngoài lúc lên cơn thì hung hăng nhưng khi tỉnh họ rất đáng thương”, chị Hảo chia sẻ.

Người ta bảo, nghề chọn người chứ người sao chọn được nghề. Thế nhưng, với chị Hảo cũng như bao cán bộ trung tâm đều xuất phát từ tình thương, đồng cảm với người bệnh. Bởi có chứng kiến bệnh nhân sinh hoạt, mới hiểu công việc của những cán bộ trung tâm như chị Hảo không hề nhẹ nhàng. Với người bệnh nhẹ, chỉ cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở thì người bệnh sẽ tự vệ sinh cá nhân, chỗ ăn ở gọn gang. Nhưng với người bệnh nặng thì mọi việc từ tắm rửa, ăn uống… đều do bàn tay những cán bộ trung tâm chăm sóc tận tình.

Lúc bình thường họ là những người dễ gần.
Lúc bình thường họ là những người dễ gần.

“Chăm sóc trẻ con còn dễ, chứ chăm sóc người bệnh nhân tâm thần cực lắm. Có khi đang ăn cơm thì ra đi tắm, họ làm theo ý họ. Đến bây giờ tôi không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với công việc này. Bạn bè nhiều khi hay trêu đùa, sao chọn cái nghề gì mà vừa khổ vừa nguy hiểm. Hay tiếp xúc lâu ngày mi bị “điên” theo họ rồi”, chị Hảo cười chia sẻ.

Ông Võ Khắc Trực, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính cho biết: “Những bệnh nhân vào trung tâm thường là bệnh nặng hết cách chữa nên họ gắn hết cuộc đời ở đây. Chỉ một số rất ít khi bệnh tình giảm được ra đình đưa về nhà chăm sóc nhưng không bao lâu lại vào lại trung tâm. Người bệnh vào đây được chăm sóc tận tình như người thân. Từ cái ăn đến ngủ nghỉ, thậm chí người bệnh nặng phải chăm sóc kỹ hơn đứa trẻ”.

Doãn Công