Nuôi nghêu kiếm tiền triệu mỗi ngày, chính ngư dân phải tiên phong bảo vệ biển

(Dân trí) - Những khái niệm về bảo vệ môi trường biển, khai thác có trách nhiệm, không tận diệt, sinh kế bền vững… những năm qua không còn xa lạ với người nuôi nghêu ở Bến Tre khi mỗi hộ dân đều ý thức, chính những nội dung đó đang mang lại cuộc sống sung túc, ổn định cho gia đình mỗi ngày.

Năm nào cũng lãi

4h sáng, người dân xã Thạnh Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre tập hợp ở bãi biển, chuẩn bị lên ghe ra bãi cào nghêu. Đó là những xã viên thuộc hợp tác xã thủy sản Thạnh Lợi.

Đây là đợt thu hoạch nghêu cuối năm, trước khi nghỉ ăn tết. Đợt cào nghêu được tính toán cả tháng để chờ con nước lên, khi đó bãi nghêu mới lộ ra để thu hoạch.

Nuôi nghêu kiếm tiền triệu mỗi ngày, chính ngư dân phải tiên phong bảo vệ biển - 1

Mỗi buổi đi cào nghêu, riêng công lao động của người nuôi nghêu ở Bến Tre cũng có thu nhập khá.

Những người dân biển khẩn trương, cắm cúi làm việc trên bãi nghêu vì chỉ có thể thực hiện công việc trong khoảng thời gian ngắn, đến khoảng 9-10h sáng, khi nước bắt đầu lên, những người cào nghêu phải rút lên ghe, lựa con nước trở vào bờ.

Bãi nghêu do hợp tác xã quản lý, có người bảo vệ, mỗi lần thu hoạch chỉ phát phiếu cho số lượng hạn chế hộ xã viên đến cào. Và mỗi ngày, mỗi nhân lực cào nghêu cũng chỉ được hợp tác xã cho khai thác với số lượng khống chế để đảm bảo ai cũng có sản phẩm và nghêu không bị tận diệt.

Tính riêng tiền công lao động cào nghêu được 20.000 đồng/sọt. Một buổi đi làm khoảng 3-4 tiếng trong buổi sáng, được 20-25 sọt, người cào đã có công chòm chèm nửa triệu đồng. Doanh thu nuôi nghêu thì được chia sau khi hạch toán mỗi vụ sản xuất. Mỗi vụ nghêu thắng lợi, thu nhập của các xã viên tính trung bình tới tiền triệu mỗi ngày. Tham gia hợp tác xã, người nuôi nghêu còn được đóng bảo hiểm, đảm bảo các phúc lợi xã hội cơ bản…

Đó là những yêu cầu về nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững phải tuân thủ để được cấp chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council - nhãn hiệu cho sản phẩm thủy sản đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, quản lý tốt và khai thác có một cách trách nhiệm). Bến Tre hiện là địa phương duy nhất của cả nước đã có được chứng nhận MSC cho con nghêu, một trong bốn mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việc tổ chức sản xuất trên các bãi nghêu đã thành nề nếp tại đây từ lâu.

Nuôi nghêu kiếm tiền triệu mỗi ngày, chính ngư dân phải tiên phong bảo vệ biển - 2
Xã viên hợp tác xã thủy sản Thạnh Lợi được chia lãi sau vụ nghêu năm 2019.

Trở về sau chuyến cào nghêu sáng sớm, các xã viên thực hiện việc cân nghêu, ký nhận với hợp tác xã xong để những giỏ nghêu lớn nhanh chóng được đưa tới khu vực phân loại, làm sạch, sơ chế… trước khi lên đường tới nhà máy chế biến để xuất khẩu. Về nhà nghỉ ngơi, đầu giờ chiều, bà Trương Thị Phượng, một xã viên của hợp tác xã thủy sản Thạnh Lợi quay lại để tính toán, nhận tiền chia “cổ tức”. Vụ nghêu năm 2019, hộ của bà Phượng đóng góp 200 triệu đồng vào hợp tác xã để cùng đầu tư.

Bà Phượng tỏ vẻ lo lắng vì năm nay thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nặng nề, không thuận như những năm trước, lời lãi chưa ước chừng được bao nhiêu. Từ khi tham gia hợp tác, nuôi con nghêu MSC tới nay, nghề truyền thống của người dân Thạnh Lợi cũng như nhiều xã, huyện ven biển khác của Bến Tre thay đổi thấy rõ. Các hộ xã viên đều mạnh dạn đầu tư, tham gia hợp tác vì mỗi vụ nghêu đều có lãi, có vụ lãi tới hơn 70%.

Cơ hội trong tay 3 tỉnh miền Tây

Nuôi nghêu kiếm tiền triệu mỗi ngày, chính ngư dân phải tiên phong bảo vệ biển - 3
Đại diện chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã nuôi nghêu ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh ký kết hợp tác.

Từ mô hình của Bến Tre, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” (2018 - 2022) đã được triển khai với mục tiêu đưa cả Tiền Giang, Trà Vinh với 20.000 người nuôi nghêu cùng trở thành ngư trường bền vững, quản lý tốt, khai thác có trách nhiệm. Chứng nhận MSC, theo đó, yêu cầu tới 128 điều kiện phải thực hiện, hướng tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu (EU) do Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đế nay đã được gần 2 năm.

Trong khuôn khổ dự án, ngày 8/1, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, lễ ký kết hợp tác giữa đại diện chính quyền 3 tỉnh, các hợp tác xã nuôi nghêu và doanh nghiệp tiêu thụ đã diễn ra. Biên bản ghi nhớ của các bên nêu rõ, mục tiêu hợp tác nhằm thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận MSC được truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch. Đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm khai thác bền vững. Tạo chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa bền vững đồng thời tăng doanh thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã/tổ hợp tác vùng nghêu. Đồng hành cùng cộng đồng nghề nghêu trong phát triển bền vững, khai thác mà không làm suy giảm nguồn lợi.

Doanh nghiệp tham gia ký kết là một công ty chuyên chế biến, xuất khẩu nghêu từ Nam Định vào. Theo đánh giá của Giám đốc công ty này, con nghêu của miền Tây có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với nghêu miền Bắc hiện nay vì vùng nuôi trồng thuận lợi, giống nghêu bản địa có kích cỡ lớn (có thể đạt tới mức 20-45 con/kg, trong khi nghêu Bắc chỉ phổ biến ở mức 70-80 con/kg) mà các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản “săn lùng”.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh thực tế, chỉ 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang là có cơ hội sản xuất được con nghêu MSC khi những ngư trường lớn ở miền Bắc như Thái Bình, Nam Định đã bị khai thác quá mức, ô nhiễm, độ mặn nước biển quá cao…

Nhấn mạnh việc không thiếu thị trường cho việc xuất khẩu nghêu có giá trị cao, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận định, làm ăn thời hội nhập không thể không có sự liên kết của bà con nuôi nghêu và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với vai trò chủ trì của chính quyền địa phương. Vai trò của chính quyền thể hiện ở việc tổ chức hoạt động sản xuất vì để có được chứng nhận MSC (điều kiện tiên quyết cho thủy sản xuất khẩu) phải đảm bảo nhiều điều kiện về sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường cũng như an sinh người lao động. Theo đó, không ai khác, chính người nuôi nghêu nhất thiết phải quan tâm tới vấn đề môi trường, yếu tố quyết định đối với sản xuất bền vững.

Nuôi nghêu kiếm tiền triệu mỗi ngày, chính ngư dân phải tiên phong bảo vệ biển - 4
Ông Lương Đình Lân cho biết, dự án sẽ hướng tới hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ để người nuôi nghêu phát triển nghề bền vững, mang lại giá trị cao hơn.

Ông Lương Đình Lân, quản lý chương trình cấp cao của Oxfam tại Việt Nam cho biết, ở các thị trường lớn, để có thể tiêu thụ sản phẩm, việc đạt chứng chỉ MSC là chuyện… hiển nhiên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thói quen này phải được xây dựng dần, một cách có chủ đích.

Ông Lân kỳ vọng, từ phía doanh nghiệp, không chỉ là cam kết về việc bao tiêu sản phầm mà  phải có sự phân biệt, con nghêu đạt chứng nhận MSC phải có được giá trị cao hơn hẳn so với nghêu bình thường. Đó sẽ là động lực lớn để cho mỗi địa phương, thậm chí mỗi người nông dân nuôi trồng tự ý thức về việc đảm bảo sinh kế bền vững, bảo vệ môi trường cho cuộc sống ổn định trong tương lai.

Ông Lân cho biết, với Tiền Giang, ngay trong tháng 4/2020 sẽ có đợt đánh giá MSC. Với tiến độ triển khai dự án như này, đây được coi là dấu mốc để tỉnh này đạt chứng chỉ quốc tế đó. Tiếp tới là việc hoàn thiện quy trình cho Trà Vinh.

 “Chúng tôi rất quyết tâm để biến việc này thành sự thật” – ông Lân quả quyết.

Phương Thảo