Lào Cai:

Nước sông Hồng có màu xanh bất thường ngày đầu năm

(Dân trí) - Mấy ngày đầu năm Canh Tý 2020, dòng sông Hồng chảy qua địa phận thành phố biên giới Lào Cai nước có màu xanh lạ thường.

Nước sông Hồng có màu xanh bất thường ngày đầu năm - 1

Nước sông Hồng có màu xanh bất thường.

Trả lời PV Dân trí chiều mùng 5 Tết Canh Tý 2020 (ngày 29/1), kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, giải thích, dịp này sông Hồng vào mùa nước cạn nên thường trong hơn mùa lũ.

Theo cơ quan chức năng ở Hà Nội, hiện nay phía thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc có tới 25 nhà máy thủy điện các loại chặn phụ lưu và dòng chính sông Hồng để phát điện. Vì thế nước từ các đập thủy điện xả ra thời gian này nước trong xanh, không có màu hồng của phù sa. Do đó dòng sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai hiện nay có màu nước xanh lạ thường. 

Nước sông Hồng có màu xanh bất thường ngày đầu năm - 2

Hình ảnh nước sông Hồng trong xanh chụp chiều ngày 29/1.

Kỹ sư Lưu Minh Hải cho biết thêm, các đập thủy điện trên sông Hồng không làm lượng phù sa trong nước sông giảm đi.
 
Được biết, sông Hồng có tổng chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chảy vào địa phận Việt Nam bắt đầu từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) với nét đặc biệt là từ đây dòng sông này có một bờ của Việt Nam và một bờ của Trung Quốc, kéo dài tới thành phố biên giới Lào Cai thì dòng sông Hồng chảy hoàn toàn trên đất Việt Nam.
 
Từ tỉnh Lào Cai, dòng sông Hồng chảy qua các tỉnh, thành phố khác rồi đổ ra biển Đông. Đoạn sông Hồng chảy trên đất Việt Nam dài 510 km.
 
Nước sông Hồng có màu đỏ - hồng đặc trưng do phù sa mà nó mang theo, nhất là mùa lũ nước đỏ ngầu phù sa màu mỡ, đây cũng là nguồn gốc tên gọi "sông Hồng". Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/nǎm, tức là gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước.
 
Sông Hồng góp phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải Bắc Bộ thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Phạm Ngọc Triển