Quảng Bình:

Nước mắt làng biển sau bão dữ

(Dân trí) - Họ sinh ra và lớn lên trên biển, suốt đời “đạp sóng” bám biển mưu sinh. Nay bão từ biển vào lại cuốn đi toàn bộ tài sản của họ. Hàng trăm hộ dân làng biển đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, mất kế sinh nhai…

Tàu thuyền bị sóng đánh tan nát

Chúng tôi tìm về làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, nơi vừa bị cơn bão số 10 tàn phá hết sức nặng nề. Nhìn cảnh hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân bị bão “xé nát”, ngư dân không còn nước mắt để khóc. Hơn 20 năm qua, chưa bao giờ người dân Cảnh Dương bị mất mát lớn như vậy.

Hàng trăm tàu cá của ngư dân Cảnh Dương đã bị bão số 10 xé nát
Hàng trăm tàu cá của ngư dân Cảnh Dương đã bị bão số 10 "xé nát"

Đang cùng các con tháo dỡ, tìm kiếm những thứ nguyên vẹn còn sót lại trên tàu, ông Phạm Đức Lượng, chủ tàu QB 3700 TS, cay đắng: “Hết sạch rồi chú à, tàu đã bị vỡ nát hết không còn khắc phục được gì nữa”.

Ông Lượng cho biết, chiếc tàu này cũng là công cụ kiếm sống của gia đình ông được đóng cách đây 10 năm, với số tiền gần 300 triệu đồng từ vay nợ ngân hàng. Hiện số nợ ấy gia đình ông vẫn chưa trả hết mà tàu cũng đã tan tành. “Trước bão tôi đã neo tàu rất cẩn thận nhưng do sóng biển quá mạnh khiến tàu bị hất lên bờ rồi vỡ tan. Không biết rồi đây lấy tiền đâu ra mà sắm tàu mới nữa”.

Anh Đậu Thanh Hoàng, chủ tàu QB 93698 TS vẫn chưa hết hãi hùng thuật lại: "Rút kinh nghiệm từ mấy mùa bão trước, tui đã đưa tàu vào sát bờ, neo lại rất chắc chắn. Thế nhưng đến khoảng 7 tối ngày 30/9, mưa to kèm theo gió mạnh ập đến, tui nghe từng tiếng rầm rầm ngoài bến nên mới chạy ra ngoài cửa xem thì hốt hoảng thấy sóng dâng cao chừng 3-4m. Chiếc tàu của tui và một số tàu khác bị hất thẳng lên bờ. Thấy vậy con trai tui chạy ra giằng lại dây thì bị sóng dìm xuống, chừng một lúc sau mới ngoi lên được. Rất nhiều tàu của những người trong xóm cũng bị sóng đánh vỡ, tan nát hết".

Hàng trăm tàu cá của ngư dân Cảnh Dương đã bị bão số 10 xé nát
 
Tàu QB 93491 TS của ngư dân Hồ Văn Hương, thì bị sóng đánh gãy làm đôi. Ông Hương cho biết, chiếc tàu của ông đóng cách đây vài năm với số tiền gần 500 triệu đồng, bây giờ chỉ còn là 2 mảnh vỡ.

Cách đó một đoạn, tàu QB 93842 TS của ông Đồng Thanh Hòa cũng bị  sóng biển và gió bão đánh dạt vào bờ cát. Mũi tàu nằm chếch lên cạn, phần đuôi tàu vỡ nát dưới mặt nước. Ông Hòa bần thần nói: “Con tàu này có công suất 220 CV, tôi mua lại của ngư dân trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây gần 2 năm với giá gần 1 tỷ đồng. Hai năm làm lụng vất vả cũng mới chỉ đủ ăn, sắm sửa được chút ngư lưới cụ chứ nợ mua tàu trả vẫn chưa xong. Bây giờ hư hại hết rồi không biết lấy chi mà sống nữa”. Gia đình ông Nguyễn Tùng cũng có hai chiếc tàu có cùng công suất trên 220 CV. Cơn bão vừa qua đã đánh bay một tàu đưa lên bờ cát. Chiếc còn lại cũng bị hư hỏng rất nặng.

Rất nhiều tàu của các ngư dân Lê Phi Long, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Phú… có giá trị gần 1 tỷ đồng cũng bị hư hỏng, tan nát hết phần thân. Bây giờ chỉ còn lại đống gỗ vụn nằm ngổn ngang ngay cửa bến.

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã có 373 tàu cá đánh bắt các loại. Đây cũng là nơi có đội tàu xa bờ đông nhất tỉnh Quảng Bình. Nhưng sau trận bão, 139 chiếc tàu bị va đập, vỡ chìm, trong đó có 39 chiếc bị thiệt hại hoàn toàn.

Trước bão, chính quyền xã Cảnh Dương cùng bà con ngư dân đã neo tàu rất cẩn thận. Nhưng do sức bão quá lớn, tàu va đập vào nhau làm tàu bị hư hỏng nặng. Thiệt hại về tàu, thuyền ước tính khoảng 25 tỷ đồng. Những hộ dân này đang lâm vào cảnh nợ nần, mất kế sinh nhai.

Người mất, nhà cửa cũng bị đổ sập

Theo chân vị cán bộ xã Đức Trạch, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Ninh và chị Hồ Thị Hường (ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch). Trên bãi đất còn ngổn ngang gạch đá, tấm lợp… anh Ninh vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chỉ trong tích tắc, căn nhà nhỏ anh thuê lại từ người thân đã bị bão đánh sập hoàn toàn.

Đang cố gắng thu gom những gì còn sót lại trong đống đổ nát, anh Ninh kể: Năm 2005, hai vợ chồng anh vay nợ ngân hàng và của anh em để sắm con tàu trị giá 350 triệu đồng (tương đương với 40 cây vàng) làm kế sinh nhai. Thế nhưng, vào năm 2005, tàu anh đang trên đường vào bờ thì gặp bão khi còn chỉ cách biển Nhật Lệ chừng 30 hải lý. Chiếc tàu đã bị đánh chìm, còn anh và một số thuyền viên may mắn được một tàu khác cứu sống.

Sau lần đó, gia đình anh lâm vào cảnh trắng tay, do không có tiền trả nợ vay ngân hàng nên ngôi nhà cả gia đình đang ở cũng bị ngân hàng phát mại. Không biết nương tựa vào đâu, vợ chồng anh mới thuê một ngôi nhà nhỏ tại thôn Đông Đức. Mất cơ nghiệp, anh Ninh chuyển sang chạy xe thồ, còn vợ bán tạp hóa trước cổng trường để kiếm sống. Nhưng cơn bão số 10 vừa qua đã lấy đi những tài sản cuối cùng anh có, hai chiếc xe máy cũng bị hư hỏng, ngôi nhà thuê ở giờ cũng chỉ còn đống gạch vụn. Hiện vợ chồng anh phải đưa con về nhà ông, bà nội gửi tạm và cũng chưa biết làm chi để sống tiếp theo.

Anh Ninh thu dọn những gì còn sót lại trong đống gạch vụn
Anh Ninh thu dọn những gì còn sót lại trong đống gạch vụn

Rời nhà anh Ninh, chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Lương - nạn nhân bị mất tích cách đó vài ngày. Khi chúng tôi đến, cả gia đình đã kéo nhau vào xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh xác nhận thi thể và đưa ông về an táng, chỉ còn lại bà con lối xóm đang chuẩn bị lo hậu sự cho ông. Một người dân cho biết: Sau khi nhận được tin báo từ xã Hải Ninh đã tìm thấy thi thể ông Lương bị trôi dạt vào bờ, người thân trong gia đình đã vào đó để đưa xác sông về quê an táng.

Được biết, vào ngày 29/9, ông Lương cùng anh con trai và một thuyền viên nữa đang đưa tàu vào neo đậu trên sông Gianh nhưng đã bị nước dâng cao đánh chìm. Con trai ông là anh Phạm Văn Cường và người kia bơi được vào bờ, còn ông bị mất tích.

Tàu bị hư hỏng, nợ nần chồng chất, người dân làng biển đang lâm vào cảnh mất kế sinh nhai
Tàu bị hư hỏng, nợ nần chồng chất, người dân làng biển đang lâm vào cảnh mất kế sinh nhai

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó chủ tịch xã Đức Trạch cho biết, cơn bão số 10 vừa qua đã khiến gần 90% nhà cửa của người dân bị tốc mái, hư hỏng, 1 nhà bị sập hoàn toàn. Toàn xã có gần 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, gần bờ nhưng cũng bị hư hỏng gần 100 chiếc, trong đó có 6 chiếc bị chìm và hư hỏng nặng. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực giúp dân khắc phục hậu quả của bão để sớm ổn định cuộc sống. Tổ chức động viên, thăm hỏi những gia đình có người chết, bị thương và thiệt hại do sập nhà, hư hỏng tàu thuyền…
 

Miền Trung thiệt hại gần 10.500 tỷ đồng do bão lũ

Ngày 4/10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có báo cáo thiệt hại do bão số 10 và lũ tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế. Thống kê sơ bộ, các tỉnh này thiệt hại gần 10.500 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo, tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nhất với 8.069 tỷ đồng, Quảng Trị hơn 2.114 tỷ đồng và TT-Huế bị thiệt hại gần 315 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Bình có 5 người chết, 2 người mất tích, 140 bị thương; tỉnh Quảng Trị có 37 người bị thương và TT-Huế có 2 người bị thương.

Về tài sản, tỉnh Quảng Bình có 345 nhà bị sập, Quảng Trị có 17 nhà và TT - Huế 9 nhà bị ngập. Tại tỉnh Quảng Bình có 156.517 nhà bị tốc mái, Quảng Trị 11.330 nhà và TT-Huế có 903 nhà bị tốc mái. Ngoài ra, Quảng Bình có nhà bị ngập: 3.581.

Theo thống kê, diện tích lúa bị úng, ngập, đổ tại Quảng Bình có 238ha; Quảng Trị 208,5ha.Diện tích ngô, sắn, hoa màu bị úng, ngập, đổ 5.528ha. Trong đó, Quảng Bình 2.499ha, Quảng Trị 2.739 và TT-Huế: 290ha. Ước tính tổng thiệt hại 10.498 tỷ đồng.

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung Tây Nguyên, hiện nay lũ trên sông ở Quảng Nam đến Bình Định đang lên; các sông ở Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đang xuống chậm và có khả năng lên lại.

Dự báo hôm nay 4/10, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên, mực nước các sông Quảng Ngãi dao động ở mức báo động 2 đến dưới báo động 3; các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên dao động ở mức báo động 1-2.

Về tình hình hồ chứa các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường, dung tích các hồ còn ở mức trung bình, hầu hết ở mức 20-70% dung tích thiết kế. Số hồ đầy và sắp đầy tập trung tại các tỉnh Quảng Bình đến TT-Huế. Hiện có 6/55 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn như: hồ Tiên Lang; Minh Cầm; Trung Thuần (Quảng Bình); Phú Dụng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (TT-Huế); Khe Tân (Quảng Nam).

Các hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (từ tỉnh Kon Tum đến Đắk Nông) đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn. Các hồ chứa trong khu vực đang vận hành bình thường. Hiện có 6 trên tổng số 21 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn mức cao như thủy điện A Lưới (TT Huế), Đắk Mi 4A (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên), Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai), Yaly. Một số hồ xả tràn để điều tiết như: Hương Điền (TT Huế), Pleikrông (Kon Tum) và các hồ tại Đắk Lắk.

Công Bính

Đăng Đức