Nước mắt bậc sinh thành

Họ đến dự phiên tòa xét xử vụ giết người hôm ấy với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cùng chung nỗi đau vì con, chỉ khác là họ ở hai cảnh ngộ khác nhau…

Phòng xử án TAND tỉnh Ninh Thuận phiên sơ thẩm ngày 31/8 vừa qua khá đông người dự khán. Hầu hết là bà con, hàng xóm, bạn bè của bị cáo và bị hại. Họ đến tòa với hai ý nguyện đối lập nhau. Một bên trông đợi bản án được tuyên thật nặng, đủ sức răn đe hành vi côn đồ của bị cáo; bên kia cầu mong sự khoan dung của pháp luật để kẻ phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.

 

Ân hận

 

Vị kiểm sát viên giữ quyền công tố công bố cáo trạng: Khoảng 21 giờ ngày 18/2/2011, Nguyễn Văn Cương (SN 1994, ngụ xã Phước Thuận, Ninh Phước - Ninh Thuận) cùng 3 người bạn hát karaoke tại một quán nước ở TP Phan Rang - Tháp Chàm.

 

Nước mắt bậc sinh thành - 1

Bị cáo Cương tại phiên tòa

 

Lúc này có Nguyễn Đức Trọng cùng 2 thanh niên là người cùng địa phương cũng đến quán uống cà phê. Cương vô cớ gây sự và xúi giục một người trong nhóm cùng đánh Trọng. Khi Trọng bỏ chạy và dùng chiếc khay đỡ đòn, Cương rút dao bấm đâm khiến Trọng bị trọng thương và chết 4 ngày sau đó.

 

- Bị cáo có biết khi dùng dao đâm người sẽ dẫn đến tử vong không? - vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi.

 

- Dạ… biết - Cương ngập ngừng trả lời.         

 

- Biết sao còn đâm? - vị chủ tọa truy tiếp.     

 

- Dạ, do Trọng khi gặp bị cáo… hay nhìn nên bị cáo… ghét - Cương lí nhí nói.

 

- Trọng chỉ nhìn thôi, có làm gì bị cáo đâu, tại sao đâm chết người ta? Rõ ràng là hành vi côn đồ - vị chủ tọa nhấn mạnh. Cương cúi đầu, nín lặng.

 

Được nói lời sau cùng, Cương quay nhìn về phía sau, hướng về phía cha mẹ của Trọng với ánh mắt buồn bã, ngỏ lời xin lỗi về tội mình đã gây ra. Những lời ân hận muộn màng đã không thể trả lại mạng sống cho Trọng.

 

Nhận định hành vi của bị cáo mang tính côn đồ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù về tội giết người.

 

Đau lòng vì con

 

Đã không ít lần tham dự các phiên tòa xử tội danh giết người, tôi hiểu vết thương lòng của các bậc cha mẹ có con là nạn nhân. Tại phiên tòa này cũng vậy. Cha mẹ của Trọng gần như bất động nơi hàng ghế đầu của khán phòng.

 

Đôi mắt cả hai đỏ hoe, ngấn nước, dõi theo từng chi tiết bản cáo trạng. Mẹ của Trọng thỉnh thoảng lại đưa tay lên quệt nước mắt. Cha của Trọng nghẹn giọng khi được phát biểu với tư cách là người giám hộ của nạn nhân: “Chúng tôi chỉ mong tòa xử đúng người, đúng tội…”.

 

Trong khi đó, gia đình Cương mang nặng một nỗi buồn lo khác. Là nông dân chân lấm tay bùn, sống lam lũ, ăn bữa sáng lo bữa chiều. Sau ngày Cương gây án, cha mẹ Cương phải chạy vạy, gom góp được hơn 4 triệu đồng phụ lo chi phí mai táng cho gia đình nạn nhân.

 

“Con nó đã gây ra cớ sự như vầy, mình làm cha làm mẹ phải gánh trách nhiệm. Con dại cái mang…” - mẹ của Cương nói mà hai hàng nước mắt lã chã. Kết thúc phiên xử, người đàn bà gầy gò, dáng vẻ lam lũ trông già hơn rất nhiều so với tuổi 40 của mình lủi thủi đến gần con căn dặn: “Con cố giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt để sớm về với ba má, với em…”.

 

Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi. Lòng cha mẹ đối với con cái luôn là “biển hồ lai láng”. Điều nghĩa nhân ấy có bao giờ sai, từ ngàn đời nay và mãi đến vạn đời sau…

 

Theo Lê Trường

 Người lao động