Nữ Phó Chủ tịch xã 24 tuổi kể chuyện lên núi làm “quan”

Sau 9 tháng làm “quan” ở xã nghèo vùng cao, Hương tự tin rằng, cô sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ...

“Với trách nhiệm là trí thức trẻ mang trên mình màu áo xanh của Đoàn thanh niên, được tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi. Tôi mong muốn đem tiếng nói của trí thức trẻ, là đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã đến với Đại hội, đồng thời tiếp thu của Đại hội về triển khai tại địa phương”- Trần Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Các đây hơn 1 năm, dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã ở 62 huyện nghèo trong cả nước bắt đầu triển khai, Hương đăng ký thi và trúng tuyển: “Tôi biết đến dự án nhờ công tác tuyên truyền, giới thiệu của Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, không chỉ riêng tôi mà nhiều trí thức trẻ đã chủ động đăng ký tham gia dự tuyển. Sau khi nhận hồ sơ, tỉnh đã thành lập Hội đồng tuyển chọn, tổ chức phỏng vấn trực tiếp. Kết quả đã chọn được 94 trí thức trẻ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn trở thành đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã của tỉnh Cao Bằng”.

 

Trần Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng 

Trần Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng 

Hương tâm sự, sau khi trúng tuyển, Hương cũng như các đội viên dự án được tham gia khóa tập huấn 3 tháng. Trong đó, một tháng rưỡi là học lý thuyết về quản lý Nhà nước và các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng điều hành cuộc họp… Thời gian còn lại là thực tế tại cơ sở để tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Sau đợt tìm hiểu, mỗi người phải viết báo cáo và xây dựng đề án cuối khóa.

Sau đợt tập huấn, Hương được được phân về công tác tại UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực kinh tế. Nam Quang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 180 km. Trên địa bàn xã có 10 xóm với khoảng 553 hộ dân. Đường sá, giao thông ở đây rất khó khăn, muốn đến được nhiều xóm trong xã phải vượt rừng mất cả ngày đường. Người dân trong xã gồm nhiều dân tộc như Tày, Nùng, HMông, Dao, Sán Chỉ… cùng sinh sống. Hơn nửa số dân lại mù chữ nên việc giao tiếp với người dân ở đây hết sức khó khăn.

Làm Phó Chủ tịch xã, Hương được giao rất nhiều trọng trách. Đó là làm tổ trưởng tổ chực hiện chương trình 30a-CP/2008 của Chính phủ; Tổ trưởng tổ kiểm tra dân xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã; Tổ trưởng tổ thực hiện Dự án “Cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn”; Phó Ban quản lý quỹ hỗ trợ và phát triển xã và Phó Ban Phòng chống bão lũ, bảo vệ và phát triển rừng… Ngoài ra, mọi cán bộ xã còn được giao phụ trách một thôn xóm.

“Tôi sẽ hoàn thành công việc”

Với một người trẻ như Hương, việc bố trí thời gian, sắp xếp công việc hợp lý cũng là một thử thách. Sau một thời gian ngắn nhận nhiệm vụ, Hương đã thực hiện công việc của mình một cách khá khoa học. Vì thế, chỉ sau khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, Hương đã hoàn thành khá nhiều công việc được giao, như: hoàn thiện hồ sơ thuộc chương trình 30a năm 2012, cụ thể là hồ sơ đăng ký trồng cỏ voi, đăng ký xây dựng chuồng trại, hồ sơ hỗ trợ bò cái sinh sản. Hương đã cùng với tổ công tác kiểm tra và giải quyết xong tình hình xâm canh, xâm cư giữa hai xã Nam Quang và Tân Việt thuộc huyện Bảo Lâm.

Bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội xã Nam Quang năm 2013 cũng đã sớm được Hương hoàn thành. Cũng trong khoảng thời gian đó, Hương đã thực hiện xong việc điều tra rà soát và tổng hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012 trên địa bàn xã….

Ngoài công việc chính, hết thời gian của một Phó Chủ tịch Hương lại nhiệt tình tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên địa phương, phong trào văn hóa văn nghệ của xã, như Hội diễn văn nghệ quần chúng và Hội thi Cán bộ dân vận khéo tại huyện…. Đặc biệt, phong trào “Vì trẻ thơ” kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để gây quỹ tổ chức Tết thiếu nhi cho các em thiếu nhi trên địa bàn xã là một việc làm ý nghĩa đối với trẻ em vùng cao.

Hương cũng cho biết, các đề xuất, việc làm của Hương đều được các bộ Đảng ủy, HĐND, UBND xã ủng hộ và tạo điều kiện. Các ban ngành, đoàn thể và người dân trong xã cũng ủng hộ nhiệt tình nữ Phó Chủ tịch trẻ xinh đẹp này.

Để đạt được những kết quả khá khả quan trong chặng đầu thực hiện nhiệm vụ của một lãnh đạo xã trẻ, Hương đã phải trải qua không ít khó khăn. Đó là bất đồng về ngôn ngữ là một trở ngại trong việc giao tiếp cũng như hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, Hương và các cán bộ tăng cường vẫn phải làm việc, ăn ngủ chung một phòng, bởi đến trụ sở UBND xã vẫn là nhà cấp bốn.

Hương cũng chia sẻ rằng, dù đa số lãnh đạo xã và người dân đều ủng hộ, tạo điều kiện cho những người trẻ như Hương, nhưng vẫn còn một số cán bộ xã chưa nhận thức đúng, rõ ràng về dự án cũng như nhiệm vụ của Hương được giao phó, nên họ vẫn thiếu sự giúp đỡ, tạo điều kiện trong khi phối hợp làm việc.

Để cán bộ trẻ tận tâm, tận lực với công việc, Hương cũng mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, xem xét các chế độ, chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những cán bộ trẻ như Hương yên tâm công tác, phát huy được hết khả năng của mình.

Khi chia tay để trở về tiếp tục làm công việc làm “quan” xã vùng cao của mình, Hương tự tin rằng “Hành trình của các đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã còn rất dài, khó khăn đang đầy trước mắt nhưng tôi tin rằng, bằng lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”./.
 
 
Theo Minh Hòa
VOV online